Viettel và NVIDIA huấn luyện tiếng Việt cho AI; Thilogi sẽ đến Mỹ; Vietjet bắt tay Xanh SM

Thilogi sẽ mở chi nhánh mới tại Trung Quốc và Mỹ

Thông tin được Tập đoàn Trường Hải (Thaco) công bố mới đây, cho biết năm 2025, đơn vị logistics là Công ty TNHH Giao nhận vận chuyển Quốc tế Trường Hải (Thilogi) sẽ mở chi nhánh mới tại Thượng Hải (Trung Quốc) và California (Mỹ).

Thilogi ra đời vào năm 2020

Hiện nay, Thilogi đã có chi nhánh và văn phòng tại Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai, Quảng Nam, Đồng Nai, TP.HCM và ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Lào và Campuchia.

Thilogi ra đời vào năm 2020, ngay giai đoạn Thaco tái cấu trúc toàn Tập đoàn. Theo đó, logistics là 1 trong 6 thành viên thuộc hệ sinh thái đa ngành của Thaco.

Thilogi thời gian đầu chỉ đáp ứng nhu cầu nội bộ. Đến nay, mảng logistics theo Thaco đã trở thành lĩnh vực kinh doanh trọng điểm và được Tập đoàn đầu tư mạnh.

Năm 2024, cảng quốc tế Chu Lai (thuộc sở hữu của Thilogi) đưa vào khai thác cầu cảng số 2, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 50.000 DWT. Công ty cũng công bố các hợp tác với hãng tàu quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ…

Theo kế hoạch đề ra, Thilogi sẽ chi tiền để đầu tư thêm tàu container nhằm khai thác các tuyến hàng hải trực tiếp từ Chu Lai đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; mở rộng bãi container lạnh lên gần 25.000m2; bổ sung hơn 300 phương tiện chuyên dụng phục vụ vận chuyển trái cây tươi xuất khẩu

Viettel và NVIDIA đưa tiếng Việt vào phục vụ huấn luyện cho trợ lý AI

Viettel Solutions và NVIDIA đã công bố bộ dữ liệu tiếng Việt phục vụ huấn luyện cho trợ lý AI.

Viettel và NVIDIA đã kỳ biên bản ghi nhớ từ năm 2022

Việc hợp tác xây dựng bộ dữ liệu Tiếng Việt của hai tập đoàn nhằm cung cấp cho cộng đồng nghiên cứu một nguồn tài nguyên để phát triển các mô hình AI phù hợp với văn hóa và ngữ cảnh sử dụng Tiếng Việt.

Đại diện của Viettel Solutions, đơn vị trực tiếp tham gia vào thực hiện dự án cho biết, bộ dữ liệu này hiện đã được công bố trên trang chia sẻ công nghệ của NVIDIA và sẵn sàng cung cấp miễn phí cho cộng đồng nghiên cứu phát triển AI tại Việt Nam.

Bộ dữ liệu Tiếng Việt do Viettel và NVIDA hợp tác nghiên cứu đã được xử lý và lọc qua NeMo Curator, giúp giảm kích thước bộ dữ liệu mà không làm giảm chất lượng. Đây cũng là bộ dữ liệu Việt Nam chất lượng cao đầu tiên được công bố tới cộng đồng nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam.

Viettel Solutions cũng cho biết, bộ dữ liệu tiếng Việt chỉ là bước khởi đầu trong hành trình hợp tác dài hạn giữa Viettel Solutions và NVIDIA. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác, phát triển các bộ dữ liệu phong phú hơn về chủ đề, nâng cao độ chính xác và sự đa dạng của các mẫu dữ liệu, đồng thời nghiên cứu các lĩnh vực ứng dụng AI chuyên sâu như y tế, giáo dục, thương mại và hành chính công.

Một trong những mục tiêu tiếp theo của dự án là ứng dụng công nghệ song song hóa và tối ưu phần cứng mới nhất của NVIDIA để xử lý các bộ dữ liệu rất lớn, nhằm giảm chi phí phần cứng và tiêu thụ điện năng. Điều này sẽ giúp các nghiên cứu và phát triển AI tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Kết quả hợp tác đầu tiên giữa Viettel Solutions và NVIDIA về lĩnh vực dữ liệu đã mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng nghiên cứu và phát triển AI trong nước. Đồng thời, bộ dữ liệu Tiếng Việt chất lượng cao và quy mô lớn này sẽ mở ra cơ hội sáng tạo các sản phẩm AI tiên tiến, mang tính bản địa hóa cao cho các nhà phát triển và nghiên cứu viên tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển AI trong nước.

Vietjet cùng Xanh SM phát triển dịch vụ di chuyển xanh

Vietjet và Xanh SM ký kết nhằm phát triển đa dạng dịch vụ cho người dân, du khách, tiến tới quảng bá du lịch, hút đầu tư ở khu vực Đông Nam Á. Lễ ký kết diễn ra tại Jakarta, Indonesia.

Vietjet và Xanh SM ký kết hợp tác tại Indonesia

Theo đại diện hai bên, hợp tác toàn diện sẽ mang tới cho hành khách trải nghiệm di chuyển hiện đại, thân thiện với môi trường với chi phí hợp lý. Điều này cũng khẳng định cam kết chung trong xây dựng hệ sinh thái giao thông xanh tại Đông Nam Á, góp phần tạo nên giá trị bền vững cho cộng đồng khu vực, toàn cầu.

Từ khi ra mắt đường bay đầu tiên đến đảo Bali vào năm 2019, Vietjet không ngừng mở rộng mạng bay giữa hai quốc gia, tạo nên cầu nối thúc đẩy giao thương, du lịch và trao đổi văn hóa. Hãng đã vận chuyển hơn 1,6 triệu lượt hành khách và cung cấp hơn 9.700 chuyến bay giữa Hà Nội và TP HCM đến Jakarta và Bali (Indonesia).

Vietjet cũng là hãng hàng không duy nhất cung cấp các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam với hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali, mang đến sự tiện lợi tối ưu cho người dân hai nước và du khách quốc tế. Hãng hiện khai thác 4 đường bay thẳng, với 80 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và Indonesia.

Với mạng đường bay ngày càng mở rộng cùng đội tàu bay mới, hiện đại, đội ngũ phi hành đoàn chuyên nghiệp, Vietjet kỳ vọng mang đến những giá trị vượt trội cho hàng trăm triệu hành khách trong khu vực. Các chuyến bay của hãng mang đến các hành trình đầy cảm hứng, với chi phí tiết kiệm cùng hàng loạt tiện ích giá trị gia tăng như bảo hiểm du lịch miễn phí SkyCare, tích điểm đổi quà cùng Vietjet SkyJoy.

Việt Nam SuperPort lập phòng thí nghiệm logistics

Biên bản ghi nhớ đã được ký giữa Việt Nam SuperPort, Trường Đại học Công nghệ Giao thông - Vận tải (UTT) và Học viện Chuỗi cung ứng và Logistics Singapore (SCALA). Theo đó, phòng thí nghiệm logistics tiên tiến và triển khai các sáng kiến nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam sẽ được các bên hợp tác thành lập.

Việt Nam SuperPort, Trường Đại học Công nghệ Giao thông - Vận tải (UTT) và Học viện Chuỗi cung ứng và Logistics Singapore (SCALA) hợp tác chiến lược

Điểm nhấn trong quan hệ đối tác này là việc thành lập phòng thí nghiệm logistics đầu tiên do Tập đoàn logistics của Singapore và một trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải hợp tác phát triển, đặt tại UTT cơ sở Vĩnh Phúc.

Phòng thí nghiệm này sẽ đóng vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo và kỹ thuật số, tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ: trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và phát triển bền vững… Phòng thí nghiệm sẽ cung cấp các khóa đào tạo cho nhân sự chất lượng cao và tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên ngành.

Bên cạnh đó, đây còn là nơi kết nối sinh viên, học giả và người làm việc trong ngành thực hiện các nghiên cứu khoa học, đồng thời, cung cấp thêm góc nhìn học thuật và ứng dụng phục vụ phát triển chiến lược và chính sách cho ngành logistics Việt Nam.

Các bên cũng nhấn mạnh việc hợp tác nâng cao chương trình đào tạo thông qua phương pháp học tập gắn liền với thực tiễn.

Các chuyên gia của Việt Nam SuperPort và SCALA sẽ tham gia các chương trình giảng dạy và hội thảo do UTT tổ chức, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế về ngành. Sinh viên UTT cũng sẽ có cơ hội thăm quan, học hỏi tại  Việt Nam SuperPortTM và Thành phố Chuỗi cung ứng (Supply Chain City) ở Singapore, từ đó, có cơ hội tiếp cận với các cơ sở hạ tầng logistics tiên tiến.

Việt Nam SuperPort sẽ cung cấp vị trí thực tập cho các sinh viên UTT được tuyển chọn, bao gồm cả chương trình phát triển tài năng kéo dài 9 tháng tại trụ sở chính của Tập đoàn YCH tại Singapore, giúp sinh viên có trải nghiệm thực tế giá trị.

Nâng cao chất lượng giảng dạy cũng là một phần quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược này. Theo đó, Việt Nam SuperPort  và SCALA sẽ thiết kế một chương trình đào tạo chuyên biệt dành cho các giảng viên UTT, tập trung vào các mô hình chuỗi cung ứng tiên tiến, tích hợp công nghệ và thực hành bền vững.

Bamboo Airways thỏa thuận trả nợ cho SAGS  

CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho biết đã nhận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành với CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), liên quan đến vấn đề công nợ. SAGS - công ty phục vụ mặt đất tại các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng - là bên khởi kiện.

Văn bản từ Tòa án cho biết Bamboo Airways còn nợ SAGS số tiền 68,5 tỷ đồng tính đến ngày 12/11/2024, liên quan đến hợp đồng phục vụ mặt đất. 

Theo dàn xếp, hãng hàng không có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản nợ cho SAGS, chia làm 3 đợt vào các năm 2024, 2025 và 2028.

Bamboo Airways vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc

Bamboo Airways vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay tổ chức vào giữa tháng 7, lãnh đạo hãng bay cho biết họ đã thay đổi các nhà cung cấp dịch vụ mặt đất cũ, trong đó có SAGS, sang đơn vị cung cấp khác là Pacific Airlines. Đội ngũ tiếp viên của hãng cũng được đào tạo thêm nghiệp vụ để tự triển khai các thủ tục check-in và boarding. Những thay đổi này giúp giảm 20% chi phí phục vụ mặt đất mỗi chuyến bay, theo chia sẻ từ đại diện Bamboo Airways.

Hãng hàng không non trẻ vẫn đang xoay xở với các vấn đề tài chính sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết bị bắt trong năm 2022 vì thao túng chứng khoán, giữa bối cảnh thị trường hàng không hậu đại dịch đối mặt nhiều thách thức do áp lực chi phí nhiên liệu, sức chi tiêu nội địa yếu cũng như tình trạng thiếu hụt máy bay.

Các khoản nợ được thỏa thuận giữa Bamboo Airways và SAGS liên quan đến hợp đồng phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng năm 2023. Đến cuối quý III/2024, báo cáo tài chính của SAGS cho thấy hãng bay này đang là con nợ khó đòi lớn nhất.

Xem thêm tại baodautu.vn