"View" không còn tiêu cực, các quỹ ETF giảm mạnh cường độ rút ròng trong tháng 10
Các ETF Việt Nam tiếp tục ghi nhận dòng vốn rút ròng trong tháng 10/2024, với giá trị rút ròng là 211 tỷ đồng tuy vậy đây là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, theo thống kê từ VnDirect.
Tổng dòng vốn rút ròng lũy kế trong 10 tháng năm 2024 của các ETF là hơn 19.000 tỷ đồng. Dòng vốn ETF bị rút ròng trong tháng 10/2024 chủ yếu đến từ việc bị rút ròng của quỹ Fubon FTSE Vietnam bị rút ròng hơn 246 tỷ đồng, quỹ Xtrackers FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 199 tỷ đồng, quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF bị rút ròng 141 tỷ đồng và quỹ VanEck Vector Vietnam ETF bị rút ròng 91 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo thống kê từ Fiingroup, giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF hơn 20,7 nghìn tỷ đồng, gấp 13 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 hơn 1,5 nghìn tỷ đồng và tương đương 26,6% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Ở chiều ngược lại, quỹ DCVFMVN Diamond ETF và quỹ KIM Growth VN30 ETF ghi nhận dòng vốn vào ròng tương ứng là hơn 368 tỷ đồng và hơn 81 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ gia tăng bán ròng trở lại trong tháng 10/2024 với tổng giá trị bán ròng là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng của các ETF chỉ chiếm khoảng 2% tổng giá trị bán ròng. Tổng giá trị bán ròng lũy kế trong 10 tháng 2024 của nhà đầu tư nước ngoài là gần 77.900 tỷ đồng.
Trong tháng 10/2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 9.834 tỷ đồng trên sàn HoSE, 921 tỷ đồng trên sàn HNX và 254 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Những mã được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất trong tháng 10/2024 là các mã VIB, MSN, HDB, VHM và SHS. Ở chiều ngược lại, các mã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất trong T10/2024 bao gồm TCB, FPT, NTL, CCQ FUEVFVND và MWG.
Hai giao dịch thoái vốn của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã góp phần vào sự gia tăng bán ròng đột biến của nhà đầu tư nước ngoài trong T10/2024. Trong đó Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia đã bán lượng cổ phiếu VIB có trị giá hơn 5.400 tỷ đồng, trong khi SK Investment Vina I Pte. Ltd. đã bán lượng cổ phiếu MSN có trị giá hơn 5.600 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư trong nước đã mua toàn bộ số cổ phiếu VIB do Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia bán ra và một phần số cổ phiếu MSN mà SK Investment Vina I Pte. Ltd. bán ra, với giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng. Hai giao dịch này chiếm khoảng 60% tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 10.
Nhận định về dòng vốn ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, chuyên gia chứng khoán của VPBankS cho rằng ảnh hưởng của dòng vốn ngoại với thị trường chứng khoán trong thời điểm 10 tháng qua đến từ 2 yếu tố. Thứ nhất là trong khoảng 3 tháng đầu năm, Thái Lan ra thông tin đánh thuế các khoản đầu tư ra nước ngoài khiến dòng vốn có nguồn gốc Thái Lan vào Việt Nam bị rút mạnh. Điều này tạo ra làn sóng bán ròng trong thời điểm từ tháng 1 đến tháng 4.
Yếu tố thứ 2 ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại là chênh lệch lãi suất VND so với USD. Thời điểm căng thẳng là từ tháng 6 cho đến tháng 8, có những giai đoạn chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lên đến 500 điểm cơ bản.
Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng lẻ tẻ trên thị trường chứng khoán, qua đó thu hẹp mức bán ròng. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên. Tín hiệu tích cực tiếp theo trong thời gian vừa qua, theo báo cáo của Bank of America, dòng vốn vào thị trường mới nổi lên mức cao kỷ lục kể từ 2007. Điều này cho thấy có sự dịch chuyển dòng vốn khi Fed và ECB hạ lãi suất. Vấn đề là khi nào dòng vốn đó phân bổ vào Việt Nam.
Câu chuyện nâng hạng sẽ giúp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trong 2025 và 2026. Lạc quan hơn, trong ngắn hạn, quỹ diamond ETF hút được khoảng 19 triệu USD. Đây là thông tin tích cực bởi con số này rất lớn trong nhiều tháng trở lại đây, việc giải ngân sẽ diễn ra trong thời gian tới.
Xem thêm tại vneconomy.vn