VinaCapital kỳ vọng VN-Index tăng 20% trong năm 2025, nhóm chứng khoán chỉ tăng 1%
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, nhận định VN-Index đã tăng 12,1% tính từ đầu năm đến 18/12, nhờ lãi suất tiền gửi thấp, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi và định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, đà tăng bị cản trở bởi việc đồng VND giảm giá và khối ngoại bán ròng 3,6 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam, đẩy tỷ lệ sở hữu xuống mức thấp kỷ lục dưới 17%.
VinaCapital kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay lại trong năm 2025 khi rủi ro từ chính sách kinh tế Mỹ không còn rõ rệt. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến đạt 17%, cao hơn mức 13% của năm 2024, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ ở các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin và tiêu dùng.
Nguồn VinaCapital |
Định giá VN-Index vẫn hấp dẫn với tỷ lệ P/E dự phóng 12 lần, thấp hơn trung bình khu vực 20% và dưới mức trung bình 10 năm của thị trường. Dựa trên dự báo, chỉ số có thể tăng 20% trong năm 2025, vượt mốc 1.400 điểm, dẫn dắt bởi bất động sản, ngân hàng và công nghệ thông tin.
Lĩnh vực bất động sản là tâm điểm với dự báo doanh số bán trước các dự án mới tăng 40% trong năm 2024. Lợi nhuận toàn ngành dự kiến tăng 20% vào năm 2025 nhờ nhu cầu nhà ở vượt cung tỷ lệ 2:1 và các cải cách pháp lý đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án.
Ngân hàng cũng ghi nhận triển vọng tích cực với lợi nhuận toàn ngành tăng 17%, nhờ giảm chi phí tín dụng và tăng trưởng từ các khoản vay thế chấp cùng đầu tư hạ tầng. Biên lợi nhuận ròng (NIM) được kỳ vọng ổn định, dù lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ.
Ngành công nghệ thông tin, dẫn đầu bởi FPT, dự kiến tăng trưởng lợi nhuận 20%, nhờ nhu cầu toàn cầu gia tăng trong chi tiêu IT và các dịch vụ liên quan đến AI. FPT đang tận dụng cơ hội từ xu hướng AI toàn cầu với lợi thế từ quan hệ chặt chẽ với NVIDIA.
Bên cạnh đó, ngành vật liệu xây dựng được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 25%, nhờ tiêu thụ thép tăng 10% cùng sự phục hồi đầu tư công. Các lĩnh vực logistics và khu công nghiệp cũng có triển vọng sáng, nhờ quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Tâm lý tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ với doanh thu bán lẻ thực dự kiến tăng 8-9% trong năm 2025, thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm không thiết yếu như điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Điều này giúp các công ty tiêu dùng hưởng lợi trực tiếp từ chu kỳ thay thế sản phẩm sau giai đoạn bùng nổ năm 2021.
VinaCapital nhận định rằng, nếu các yếu tố rủi ro bên ngoài được kiểm soát, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và hiệu suất thị trường trong năm 2025.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn