Vinalines (VIMC) lãi 12.000 tỷ đồng sau một thập kỷ tái cấu trúc, vốn hóa tăng 3 lần trong năm 2024

Sáng 20/12, cổ phiếu MVN của Tổng CTCP Hàng hải Việt Nam (VIMC) tăng trần lên 55.000 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng giá thứ ba liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 7. Vốn hóa thị trường của VIMC theo đó tăng lên hơn 66.100 tỷ đồng (gấp 3 lần đầu năm). Từ đầu tháng 11, cổ phiếu MVN đã tăng tới 85%, dẫn đầu nhóm ngành vận tải và logistics trong đà phục hồi chung của thị trường.

Vinalines (VIMC) lãi 12.000 tỷ đồng sau một thập kỷ tái cấu trúc, vốn hóa tăng 3 lần trong năm 2024
Từ đầu tháng 11 tới nay, cổ phiếu MVN đã tăng tới 85% giá trị

Nhóm cổ phiếu vận tải tiếp tục hút dòng tiền mạnh với thanh khoản tăng vọt. Cổ phiếu VOS đạt thanh khoản Top 1 thị trường và tăng kịch trần, trong khi VTO, VLG, HAH, VTP và ACV cũng ghi nhận mức tăng từ 1-6%.

Quả ngọt sau 10 năm tái cấu trúc, hết lỗ lũy kế

Năm 2024, VIMC ước đạt doanh thu 17.496 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.873 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch. Trước đó sau 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 2.243 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2023.

Thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của VIMC đạt gần 30.000 tỷ đồng, với 9.700 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi. Nhờ tạo ra gần 11.400 tỷ đồng lãi sau thuế kể từ năm 2016 tới cuối quý III/2024, VIMC đã hết xóa hết lỗ lũy kế vào quý I/2024, lợi nhuận chưa phân phối lần đầu chuyển dương sau một thập kỷ (mức 60 tỷ đồng).

Tháng 10 vừa qua, VIMC đã có lần đầu trả cổ tức bằng tiền (tỷ lệ 0,39% cho năm 2023) sau nhiều năm. Với việc gia tăng lợi nhuận thặng dư kể từ quý II/2024 tới nay, cổ đông MVN hoàn toàn có thể kỳ vọng được nhận mức cổ tức hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Dựa trên tiềm lực tài chính mạnh mẽ, VIMC đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 65%. Công ty cũng tích cực thoái vốn tại 9 doanh nghiệp trong năm 2024 nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Hợp tác quốc tế và tiềm năng phát triển

VIMC đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với tập đoàn Sinotrans của Trung Quốc và DP World của UAE, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế. Việc hợp tác với DP World, một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cảng biển và logistics, hứa hẹn mang lại cho VIMC những nguồn lực và chuyên môn quý báu để phát triển các dự án và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại TP. HCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 113.531 tỷ đồng (4,5 tỷ USD), được kỳ vọng trở thành trung tâm vận tải lớn trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án hợp tác giữa VIMC và Terminal Investment Limited Holding S.A (thành viên của hãng tàu MSC).

Trong bối cảnh kim ngạch ngoại thương của Ấn Độ và Trung Quốc liên tục tăng trưởng, VIMC đang tích cực xây dựng các chuỗi cung ứng mới. Các thị trường lớn như Ấn Độ, với kim ngạch ngoại thương dự kiến vượt 2.000 tỷ USD vào năm 2030, tạo cơ hội lớn cho ngành logistics Việt Nam.

Với đội tàu chiếm 25% tổng dung tích đội tàu cả nước và mạng lưới cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam, VIMC tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành hàng hải và logistics. Hệ thống cảng trọng điểm của VIMC, bao gồm cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với kết quả kinh doanh tích cực, kế hoạch mở rộng vốn điều lệ và hợp tác chiến lược quốc tế, VIMC đang đứng trước tiềm năng bứt phá mạnh mẽ. Đặc biệt, các dự án lớn như cảng Cần Giờ và mối quan hệ hợp tác với DP World hứa hẹn mang lại nguồn lực và cơ hội mới cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn