Vinamilk sẽ khởi công nhà máy mới tại Hưng Yên trong quý II/2025

Căng thẳng thương mại không ảnh hưởng lớn đến chiến lược

Chiều 25/4, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, tập trung giải đáp nhiều vấn đề cổ đông quan tâm liên quan đến định hướng phát triển thời gian tới.

Một trong những nội dung nhận được nhiều câu hỏi là tác động của căng thẳng thương mại đến chiến lược kinh doanh của Vinamilk. Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết thị trường nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của công ty. Dù xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng tỷ trọng còn thấp nên ảnh hưởng từ các biến động toàn cầu chưa đáng kể.

“Thế giới là bình thông nhau, mọi chuyện đều chỉ là tạm thời. Ai cũng mong đất nước mình ổn định, do đó sẽ có thỏa thuận và hợp tác. Tôi tin các biến động hiện nay sẽ sớm chấm dứt, tương lai sẽ rất tươi sáng”, bà Liên nói.

Bà cũng nhận định nếu có ảnh hưởng, căng thẳng thương mại chủ yếu tác động đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ thận trọng hơn trong chi tiêu. Khi lo ngại về công việc và thu nhập, người dân sẽ có xu hướng tiết kiệm và chọn lọc tiêu dùng. Tuy nhiên, tâm lý này sẽ sớm ổn định khi các vấn đề về thuế quan được tháo gỡ.

Về nguyên vật liệu nhập khẩu như vitamin, khoáng chất… từ châu Âu, Mỹ, bà Liên cho biết chi phí nguyên liệu năm nay dự kiến tăng khoảng 4,2%. Trong quý I, mức tăng giá nguyên liệu khoảng 4,5%, trong khi Vinamilk mới điều chỉnh giá bán lên khoảng 2,6%. Dự kiến cả năm 2025, mức tăng giá bán sẽ chỉ ở mức 3,4%, nhằm chia sẻ phần nào áp lực chi phí mà không gây tác động lớn đến người tiêu dùng.

So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả kinh doanh tháng 4 năm nay đã khả quan hơn. Tuy nhiên, quá trình tái định vị thương hiệu, ra mắt sản phẩm mới cũng khiến Vinamilk gặp không ít khó khăn.

Trong quý I, công ty đã tiến hành cải tổ hệ thống phân phối – đặc biệt là kênh truyền thống. Việc rà soát, sắp xếp lại đội ngũ kinh doanh được thực hiện đồng bộ, từ giám đốc, trưởng bán hàng vùng đến giám sát, nhân viên. Bà Liên thẳng thắn thừa nhận nội tại của Vinamilk có vấn đề ở đội ngũ kinh doanh trong nước, đặc biệt là với mạng lưới 250.000 cửa hàng nhỏ lẻ và hàng trăm nhà phân phối.

Từ năm 2025, Vinamilk triển khai chiến lược “làm lại từ đầu” cùng đội ngũ kinh doanh, trong đó ưu tiên tuyển dụng nhân sự trẻ cho kênh phân phối truyền thống. Lãnh đạo Vinamilk đánh giá đây là bước đi đúng đắn, và việc cải tổ hệ thống kinh doanh nội địa là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.

Di dời nhà máy Dielac, khởi công nhà máy Hưng Yên

Về hoạt động sản xuất, ban lãnh đạo cho biết nhà máy Dielac tại Đồng Nai sẽ được di dời theo quyết định của địa phương trong năm 2025. Vinamilk đã làm việc với chính quyền tỉnh và dự kiến hoàn tất việc di dời trong vòng hai năm, chuyển sang tỉnh Bình Dương.

“Việc tháo dỡ và vận chuyển hai tháp sấy của nhà máy không hề đơn giản, nên cần thêm thời gian để đảm bảo quy trình”, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết.

Cùng với đó, Vinamilk có kế hoạch khởi công nhà máy mới tại Hưng Yên trong quý II/2025 và dự kiến hoàn thành sau hai năm. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất sữa nước, ứng dụng công nghệ tự động hóa tương tự nhà máy tại Bình Dương, nhằm đảm bảo chất lượng và tối ưu giá thành cung ứng cho thị trường miền Bắc.

Trước mắt, Vinamilk sẽ chuyển một số dây chuyền từ nhà máy Tiên Sơn sang Hưng Yên. Việc này nhằm “make room” tại Tiên Sơn để phát triển thêm các dòng sản phẩm mới – trong đó có Probi, hiện đang thiếu nguồn cung. Dự kiến đến tháng 6, dây chuyền mới sẽ bắt kịp nhu cầu.

Bà Liên cho biết theo quy hoạch, khi công suất các nhà máy đạt khoảng 70%, Vinamilk sẽ cân nhắc đầu tư mở rộng tiếp theo.

Về hoạt động trang trại, Vinamilk đã hoàn tất danh mục đầu tư tại Lào. Đàn bò tại đây hiện đạt gần 4.000 con, sản lượng sữa trung bình khoảng 35 lít/con/ngày – cao hơn mức 30 lít/con/ngày ở các trang trại trong nước nhờ khí hậu mát mẻ tương đương Đà Lạt. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu tiềm năng phục vụ các dòng sản phẩm mới của Vinamilk trong tương lai.

SCIC tiếp tục đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinamilk

Liên quan đến phần vốn nhà nước tại Vinamilk, trong bối cảnh một số doanh nghiệp nhà nước chuyển về Bộ Công an, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về cơ quan đại diện sở hữu vốn.

Bà Đặng Thị Thu Hà, thành viên HĐQT Vinamilk, khẳng định Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tiếp tục là đơn vị đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinamilk. Theo bà, việc chuyển giao chỉ áp dụng với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đặc thù mà Nhà nước cần duy trì tỷ lệ chi phối như Mobifone, FPT Telecom.

Hiện SCIC vẫn phối hợp cùng Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trong vai trò đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn