Vinaseed - Hành trình gieo giống tư duy quản trị hiện đại cho nông nghiệp Việt

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed – Mã NSC), ban lãnh đạo doanh nghiệp đã có phần giải trình sâu sắc về chiến lược phát triển dài hạn, nâng cao hiệu quả kinh doanh và định vị lại mô hình nông nghiệp hiện đại. Trọng tâm trong phần hỏi đáp là tư duy quản trị, chất lượng sản phẩm và hướng đi của Vinaseed trong giai đoạn tiếp theo.

NSC

Chuyển dịch mô hình từ - nước đi bắt buộc

“Muốn đạt lợi nhuận cao, không thể làm nông nghiệp cơ bắp, mà phải là nông nghiệp trí tuệ. Khi đưa ra thị trường sản phẩm mới có hàm lượng chất xám cao sẽ mang lại lợi nhuận tốt”, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long nêu vấn đề tại đại hội.

Minh chứng cho quan điểm này, ông nhấn mạnh tới sản phẩm gạo Cô Son 99 – giống lúa lứt tím mới do Vinaseed phát triển với nhiều điểm cải tiến vượt trội: Hạt dài, dẻo, dễ chế biến, có tiềm năng cao về giá trị thương mại.

Khi được hỏi về khả năng khai thác thị trường châu Phi, Chủ tịch HĐQT Vinaseed – bà Nguyễn Thị Trà My – thẳng thắn trả lời: “Vinaseed là doanh nghiệp luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, chúng tôi tập trung vào thị trường cao cấp… Châu Phi là thị trường khá khó vì giá nhập rất thấp”.

Bà cho biết Vinaseed đang hướng đến các thị trường khó tính như Nhật Bản nhờ lợi thế vượt trội về chất lượng giống và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Vinaseed cũng đẩy mạnh mô hình canh tác giảm phát thải trong dự án TRVC do Chính phủ Úc tài trợ. Chỉ riêng vụ đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đã cắt giảm được gần 3.900 tấn CO2 và nhận thưởng hơn 28.600 AUD.

“Chúng tôi tự tin về chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ giống đến bàn ăn”, bà Trà My khẳng định.

Trong nước, Vinaseed cũng không bỏ qua cơ hội. Thị phần gạo đóng gói tại Việt Nam mới chỉ chiếm 5%, trong khi Thái Lan đã đạt tới 60–70%. Chủ tịch NSC nhìn nhận đây là một cơ hội tăng trưởng lớn, song song với tái cấu trúc mảng xuất khẩu – nội địa.

Tái cấu trúc để tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, Vinaseed triển khai tái cấu trúc toàn diện từ R&D (nghiên cứu và phát triển), hệ thống phân phối đến vận hành. Bà Trà My cho rằng: “Việc đầu tiên khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaseed là tái cấu trúc toàn bộ các mảng, tập trung đầu tư vào R&D, hợp tác quốc tế để có các sản phẩm tốt để đưa ra thị trường”.

NSC

Bà cũng nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số và AI trong quản trị, giúp giảm chi phí và tăng hiệu suất. Đồng thời, Vinaseed đã thực hiện sáp nhập các đơn vị như Vinaseed Quảng Nam và SSC miền Trung để tinh gọn bộ máy. Các đầu mối trong hệ sinh thái PAN Group cũng được tận dụng để tối ưu hóa logistics, bao bì và truyền thông.

Góc nhìn khác từ câu chuyện của Tập đoàn Lộc Trời (LTG)

"Với việc đối thủ cạnh tranh của chúng tôi gặp khó khăn, theo tôi đây cũng là điều bình thường trong kinh doanh. Về ngắn hạn, chúng tôi có thể sẽ được hưởng lợi đâu đó. Tuy nhiên, cá nhân tôi có góc nhìn khác.

Xét về dài hạn, ngành nông nghiệp Việt Nam muốn vươn mình cần thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, làm ăn bài bản và song song với cạnh tranh lành mạnh là sự hợp tác để cùng nhau phát triển và vươn ra biển lớn. Tôi luôn đề cao sự hợp tác cùng phát triển, hoặc cạnh tranh thi đua để mang lại giá trị cao hơn cho khách hàng. Đó mới thực sự là nền tảng cho phát triển bền vững. Đây cũng là triết lý chung được ban lãnh đạo chúng tôi áp dụng cho toàn bộ Tập đoàn PAN, không chỉ riêng Vinaseed mà tất cả các công ty khác trong hệ sinh thái", bà Nguyễn Thị Trà My.

Theo ông Nguyễn Quang Trường – đại diện Ban điều hành, kết quả kinh doanh sơ bộ quý I của Vinaseed đạt doanh thu hợp nhất 380 tỷ đồng, lợi nhuận gần 49 tỷ, tăng khoảng 6–7% so với cùng kỳ 2024. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 12% và lợi nhuận 14% cho cả năm với động lực đến từ các sản phẩm cốt lõi có bản quyền như ngô Darling 10, Diamond 999, Ngọc Nương 9.

Hiện tại ở Vinaseed, giống lúa chiếm 80–85% sản lượng, biên lợi nhuận khoảng 60–65%; ngô chiếm 10% sản lượng nhưng đóng góp 30% doanh thu; rau củ quả hiện chiếm tỷ trọng thấp, song đang được tái cấu trúc.

Bà Trà My bổ sung: “Mảng rau đang rất yếu… Chúng tôi đã tái cấu trúc toàn bộ SSC và kỳ vọng sắp tới sẽ có những hợp tác với đối tác châu Âu (Hà Lan) và Thái Lan trong mảng này”. Vinaseed cũng đang xúc tiến xuất khẩu ngô sang Campuchia – một thị trường gần gũi về địa lý nhưng giàu tiềm năng.

Quản trị đồng thuận – xây dựng văn hóa hiệu quả

Tại đại hội, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn PAN, cổ đông công ty mẹ của Vinaseed – đã có phần chia sẻ xúc động: “Tôi thấy Vinaseed đang tạo ra một ‘chuyển động’ rất rõ, chuyển từ mô hình một công ty có nền tảng lâu đời sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn”. Minh chứng được nêu ra là sự cải thiện biên lợi nhuận từ 2% lên 12% – một kết quả phản ánh đúng chiến lược chuyển đổi.

NSC

Về chiến lược nhân sự và đãi ngộ, ông Hưng nêu quan điểm: "Tôi càng thích khi phần thưởng này cao, vì nếu các bạn được thưởng nhiều, thì cổ đông như tôi lại thu về càng nhiều hơn. Nếu các bạn được 20%, tôi sẽ nhận 80% phần còn lại, quá tuyệt vời”, ông nói. “Đừng sợ thưởng cao nếu công ty đang làm ăn hiệu quả".

Ông Hưng dẫn chứng tại công ty thành viên CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) từng có khoản thưởng hàng chục tỷ đồng cho nhân sự, khiến nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, ông cho rằng: "Đó là phần thưởng xứng đáng, không có gì bất thường cả".

“Đường đi đã có, việc còn lại là chọn đúng người, xếp đúng chỗ vào mô hình tổ chức để đạt được mục tiêu. Nếu làm được như vậy, tôi tin PAN sẽ còn đi rất xa”, ông Nguyễn Duy Hưng chốt lại câu chuyện.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn