Vinaseed, Sao Ta 'om' giải pháp trước quan ngại kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vùng ĐBSCL
Gần đây, dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế và Việt Nam vì có thể tác động đến những khu vực quan trọng ở hạ nguồn sông Mekong. Cụ thể, việc chuyển hướng dòng chảy từ sông Mekong vào kênh đào Funan Techo có thể tạo ra vùng trũng ngập ở phía Bắc con kênh và vùng khô hạn ở phía Nam và ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp, đe dọa môi trường sống của các loài sinh vật trong khu vực.
Quá trình thi công kênh đào này cũng đòi hỏi phải di dời khoảng 1,6 triệu dân đang sinh sống dọc hai bên dòng kênh. Điều này sẽ tạo ra nhiều gián đoạn, bất tiện cho cộng đồng dân cư.
Trước vấn đề này, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam và CTCP Thực phẩm Sao Ta (Hai công ty thành viên của CTCP Tập đoàn PAN) - Đơn vị đang có những hoạt động kinh doanh tại vùng ĐBSCL đã có những phản hồi liên quan.
Trích biên bản họp ĐHĐCĐ của Tập đoàn PAN
Cụ thể, trong Đại hội Cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn PAN, Chủ tịch HĐQT Vinaseed - bà Trần Kim Liên, cho biết hiện tại cũng như sau này, Việt Nam là 1 trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Doanh nghiệp không thể chỉ nhìn vào khó khăn mà phải chủ động xây dựng chiếc lược chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu.
"Biến đổi khí hậu là điều mà chúng ta không thể chống lại được. Nếu như Campuchia đào kênh Funan và khiến chúng ta thiếu nước ngọt cho sản xuất thì cũng không thể làm gì được, do đó, doanh nghiệp phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên" - bà Liên nói.
Về vấn đề kênh đào Funan, doanh nghiệp này nhận định là chuyện của tương lai rất dài và đơn vị đã có chiến lược chuyển đổi cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, Vinaseed đang nghiên cứu giống lúa chịu mặn gấp 3-4 lần và cũng có bộ giống thích ứng ngập lụt, chịu hạn.
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta (mã CK: FMC) chia sẻ, trong ngành thủy sản có 2 nhánh là thủy sản nước mặt và thủy sản nước ngọt và có thể tận dụng đặc điểm này để phát triển kinh doanh".
"Ao nuôi cá tra có xu thế chuyển dịch về thượng nguồn, còn tôm nuôi ở chỗ nước mặn. Xâm nhập mặn là cơ hội thuận lợi để mở rộng vùng nuôi tôm" - Ông Lực cho biết.
Dự án kênh đào Phù Nam – Techo có tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy này là 7 triệu tấn/năm.
Dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông, bao gồm: (i) Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20km) nối sông Mê Công với sông Bassac; (ii) Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30km); và (iii) Đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 20km) với cảng Kẹp của Campuchia.
Đồng thời, Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn