Vinasun 'cài số lùi' mục tiêu kinh doanh, quyết 'thay máu' đội xe
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 24/4, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu và thu nhập dự kiến đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 53,63 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện năm 2024, hai chỉ tiêu này lần lượt giảm 7% và 36%. Cổ tức dự kiến duy trì ở mức 10%.
Trong kế hoạch đầu tư, công ty dự kiến bổ sung khoảng 400 xe mới trong năm nay, chủ yếu là dòng xe Hybrid của Toyota. Tính đến cuối năm 2025, số lượng xe hoạt động của Vinasun dự kiến đạt 2.368 chiếc, giảm 100 xe so với cuối năm trước. Động thái này nằm trong chiến lược tái cơ cấu đội xe theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả vận hành.
Đại hội cũng thống nhất bầu ông Lê Hải Đoàn – cổ đông lớn đang sở hữu 13,61% vốn – vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022–2027. Ông Đoàn hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tập đoàn HIPT (UPCoM: HIG), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Tại đại hội, một số cổ đông bày tỏ lo ngại về việc kết quả kinh doanh đi lùi trong khi chi phí đầu tư xe mới tăng cao. Trả lời vấn đề này, ông Trần Lê Minh – Phó Tổng giám đốc Vinasun – cho biết: “Kế hoạch năm nay đi lùi chủ yếu do thu nhập khác giảm mạnh, không phải vì hoạt động kinh doanh yếu đi. Nếu xét riêng phần vận tải, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2,5 lần so với năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động cốt lõi đang phục hồi tốt.”

Đối với câu hỏi về hiệu quả đầu tư xe Hybrid, ông Minh nhấn mạnh: Chi phí đầu tư xe Hybrid là gánh nặng, nhưng nếu tiếp tục duy trì xe xăng, chúng tôi sẽ gặp khó trong việc giữ khách hàng. Thị trường đang chuyển dịch theo hướng ưu tiên xe sạch, dịch vụ tốt, trải nghiệm cao. Việc chuyển đổi là cần thiết nếu muốn duy trì vị thế cạnh tranh và hình ảnh thương hiệu.”
Theo ông Minh, chuyển đổi đội xe không chỉ là bài toán chi phí mà còn là chiến lược dài hạn về chất lượng dịch vụ và khả năng thích ứng với xu hướng mới. “Nếu không đầu tư, công ty sẽ bị bỏ lại phía sau,” ông nói.
Lãnh đạo Vinasun cũng thừa nhận môi trường cạnh tranh hiện nay khốc liệt hơn bao giờ hết. Theo ông Minh, một thương hiệu taxi điện mới đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng chỉ trong hai năm, trong khi vốn chủ sở hữu của Vinasun hiện chỉ khoảng 1.100 tỷ đồng. Grab – một đối thủ lớn khác – đã huy động hơn 12 tỷ USD từ năm 2014 đến nay.
Dù vậy, ban điều hành cho biết công ty sẽ tiếp tục con đường phát triển dựa trên nội lực, đầu tư xe mới từng bước, đảm bảo cổ tức cho cổ đông và duy trì hoạt động ổn định.
Liên quan đến giá cổ phiếu hiện đang thấp hơn giá trị sổ sách, cổ đông đặt câu hỏi liệu công ty có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ hay không. Ban lãnh đạo VNS cũng cho biết sẽ cân nhắc tùy theo dòng tiền. Tuy nhiên, công ty ưu tiên hai mục tiêu: chia cổ tức ổn định 10–20%/năm và tiếp tục đầu tư phương tiện mới.
“Hôm nay, chúng tôi báo cáo đầu tư 806 xe, nghe rất đơn giản, nhưng nếu chúng tôi nói tổng số tiền đầu tư bao gồm đầu tư vào thuế trước bạ gần là gần 780 tỷ đồng lại là câu chuyện khác. Vinasun đầu tư xe nhưng vẫn đảm bảo một khoản tiền cuối năm cho các cổ đông là 240 tỷ đồng”, ông Minh nói.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn