Vinasun (VNS) trên đường đua thị phần

“Bước ngoặt” xe hybrid

Giữa tháng 3/2024, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (mã VNS) công bố kế hoạch đầu tư 550 xe Toyota Hybrid và dự kiến đưa vào hoạt động trong quý II hoặc III/2024. Theo Vinasun, đây là bước tiến quan trọng đánh dấu cam kết của Công ty trong việc cung cấp dịch vụ taxi sang trọng, tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

Xe hybrid hay còn gọi là xe lai điện, hiện khá phổ biến trên thế giới. Loại xe này sử dụng song song cả động cơ đốt trong và động cơ điện nên có thể hạn chế lượng khí thải xả ra từ động cơ, giúp bảo vệ môi trường và chất lượng không khí.

Vinasun đánh giá, xe hybrid sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu gấp 1,5-2 lần so với xe thông thường, phù hợp sử dụng trong điều kiện cơ sở hạ tầng, hệ thống trạm sạc cho xe thuần điện chưa hoàn chỉnh như hiện nay.

Tuy nhiên, dòng xe này có giá thành cao hơn các dòng xe thông thường bởi chi phí sản xuất cao. Tại Việt Nam, các dòng xe hybrid của Toyota có mức giá niêm yết từ 860 triệu đồng đến gần 4,5 tỷ đồng. Mặt khác, do phải trang bị thêm pin và hệ thống động cơ điện nên trọng lượng của xe hybrid thường nặng hơn so với các loại xe khác, ảnh hưởng tới hiệu suất và tốc độ của xe. Đặc biệt, xe hybrid có cấu tạo phức tạp, nếu gặp sự cố về hệ thống dễ khiến xe khó vận hành, thậm chí ngừng hoạt động.

Mordor Intelligence ước tính quy mô thị trường gọi xe công nghệ của Việt Nam năm 2024 đạt 0,88 tỷ USD (năm 2023 là 0,727 tỷ USD) và con số này sẽ tăng lên 2,16 tỷ USD vào năm 2029, tương đương tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2024-2029 ở mức 19,5%/năm.

“Dòng xe này vốn giá đã cao, còn gánh thêm chi phí ‘hybrid’ nữa thì tổng chi phí sẽ càng đội lên, nếu giá dịch vụ theo đó cũng tăng thì cạnh tranh bằng cách nào?...”, một nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VNS băn khoăn khi biết về kế hoạch đầu tư xe mới của Vinasun.

Đem băn khoăn này của nhà đầu tư đến Vinasun, đại diện doanh nghiệp này phản hồi Báo Đầu tư Chứng khoán rằng, Vinasun đang trong quá trình chuẩn bị đại hội cổ đông 2024 và việc đầu tư 550 xe hybrid là một trong những nội dung chính báo cáo tại đại hội năm nay. Do đó, Công ty tạm thời chưa thể chia sẻ. Được biết, Vinasun sẽ tổ chức đại hội vào ngày 24/4/2024.

Về tình hình tài chính của Vinasun, theo báo cáo tài chính mới nhất, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 1.653 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Các tài sản có khả năng chuyển đổi thành tiền nhanh nhất gồm có tiền và tương đương tiền là 121,3 tỷ đồng, giảm 38%; tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng là 275,8 tỷ đồng, giảm 20% và các khoản phải thu ngắn hạn là 128,5 tỷ đồng, giảm 17,5%.

Vinasun còn có 289,6 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, tăng 19% so với đầu năm, bao gồm 161,6 tỷ đồng vay dài hạn từ các ngân hàng để mua phương tiện vận tải phục vụ kinh doanh dịch vụ taxi và vận chuyển hành khách theo hợp đồng, 128 tỷ đồng còn lại là thuê tài chính. Vinasun cho biết, Công ty đang thuê phương tiện vận tải theo hợp đồng thuê tài chính với Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu.

Hiện tại, Vinasun không sử dụng nhiều vốn vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh (hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,42), nếu vay vốn ngân hàng hoặc thuê tài chính để đầu tư xe lần này, chi phí tài chính sẽ tăng mạnh. Năm 2023, Vinasun đã chi hơn 25 tỷ đồng để trả lãi tiền vay, tăng hơn 15 tỷ đồng so với năm 2022.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, thời gian khấu hao cho các phương tiện vận tải đường bộ không dài, chỉ từ 6-10 năm, cũng là yếu tố cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi liên quan tới việc phân bổ chi phí cho các năm tiếp theo và tính toán giá cước để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Thực tế, sau dịch Covid-19, hãng taxi này mới hồi phục trong 2 năm trở lại đây, nhưng tốc độ đang có phần chậm lại. Năm 2023, biên lợi nhuận gộp của Vinasun đã thu hẹp xuống mức gần 21% từ mức 27% của năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 cũng giảm 18% xuống còn 150 tỷ đồng. Bởi vậy, nếu lợi nhuận năm 2024 cũng như những năm tới không tăng trưởng nhanh để bù đắp, chi phí đầu tư dàn xe mới sẽ trở thành gánh nặng.

Không dễ tăng thị phần

Xanh SM hiện vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 với 18,17% thay cho Be là 9,21% (vị trí số 1 là Grab với 58,68% thị phần). Vinasun đang đứng vị trí thứ 6 với 2,15% thị phần.

Hiện nay, các nền tảng công nghệ như Grab, Be, Gojek hay mới nhất là Xanh SM đang chiếm ưu thế trên thị trường gọi xe Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Mordor Intelligence, sự xuất hiện của Xanh SM trong năm 2023 đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành taxi công nghệ Việt Nam, làm thay đổi thứ hạng, thị phần của các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành. Cụ thể, Xanh SM đã vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 với 18,17% thay cho Be là 9,21% (vị trí số 1 là Grab với 58,68% thị phần). Trong khi đó, Vinasun đang đứng vị trí thứ 6 với 2,15% thị phần.

Trên đường phố các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, màu xanh cyan của thương hiệu taxi Xanh SM đang tăng mạnh độ phủ. Vào thời điểm hãng taxi thuần điện đầu tiên mới xuất hiện, nhu cầu đặt xe trải nghiệm của người dân tăng đột biến khiến cung không đủ cầu, nhưng Xanh SM nhanh chóng gia tăng số lượng xe sau đó.

Mordor Intelligence cũng đánh giá với các đơn vị khác trong cả mảng taxi truyền thống lẫn gọi xe công nghệ và Xanh SM được đánh giá cao nhất cả về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng.

Cùng với việc Chính phủ đang tuyên truyền rộng rãi về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính, ý thức cộng đồng cũng ngày càng được nâng cao, cho nên xe điện sẽ có nhiều ưu thế và phổ biến hơn trong tương lai. Vì vậy, khả năng cạnh tranh giữa dòng xe hybrid của Vinasun và dòng xe thuần điện của Xanh SM được quan tâm.

Tại đại hội cổ đông năm 2023, ông Trần Anh Minh - Phó tổng giám đốc Vinasun từng nhấn mạnh, đến một thời điểm nhất định, ưu và nhược điểm của một mô hình kinh doanh sẽ bộc lộ và xe điện cũng không là ngoại lệ. Trong kinh doanh taxi, khách hàng cần sự nhanh chóng, tiện lợi, an toàn và độ phủ cao.

Không thể phủ nhận Vinasun là hãng taxi truyền thống có thương hiệu và quen thuộc với nhiều khách hàng. Việc gọi xe đối với Vinasun cũng có nhiều thuận lợi (đặc biệt là các khách hàng lớn tuổi) khi có thể gọi qua tổng đài, đặt qua ứng dụng (app) hoặc trực tiếp gọi xe trên đường. Vinasun cũng có ưu thế của riêng mình so với các hãng xe công nghệ khác là giá cước ổn định, đồng nhất giữa đồng hồ gắn trên xe và trên app, không biến động nhiều khi kẹt xe, giờ cao điểm.

Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, đối thủ của Vinasun vẫn còn Grab, Be, Gojek… hay Xanh SM có sự “phủ sóng” mạnh mẽ. Với dư địa thị trường xe taxi rộng lớn, doanh nghiệp nào cũng có chiến lược riêng để có thể gia tăng thị phần, nên việc lấy được thị phần từ tay các hãng xe khác sẽ không dễ dàng với Vinasun.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn