Vincom Retail báo lãi kỷ lục

Empty

Vincom Retail báo lãi ròng kỷ lục trong năm 2023. Ảnh: Vincom Retail.

CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE) vừa công bố BCTC quý IV/2023 với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, doanh thu thuần quý IV/2023 của VRE đạt 2.343 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu thuần của VRE trong kỳ tăng mạnh nhờ bàn giao bất động sản là nhà phố thương mại của dự án Đông Hà Quảng Trị và một số dự án địa ốc khác. Ngoài ra, đó còn là các giao dịch cung cấp dịch vụ môi giới tại các khu phố thương mại.

Biên lợi nhuận gộp quý IV/2023 là 54,14%, cao hơn quý IV/2022 là 51,7%, do đó lãi gộp VRE đạt hơn 1.268 tỷ đồng, tăng 10%. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính công ty tăng 71% lên gần 343 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản đặt cọc.

Khấu trừ chi phí, VRE ghi nhận 1.067 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần VRE đạt 9.791 tỷ đồng, lãi ròng đạt 4.409 tỷ đồng, tương đương tăng lần lượt 33% và 58,8% so với cùng kỳ. Đây là quy mô lợi nhuận kỷ lục của công ty kể từ khi hoạt động.

Trong năm 2023, VRE đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.680 tỷ đồng. Như vậy, VRE đã hoàn thành gần 95% mục tiêu doanh thu và 94,2% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2023.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản VRE tại ngày 31/12/2023 đạt 47.653 tỷ đồng, tăng 11,6% so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh gần 41,6% còn 4.101 tỷ đồng. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn ghi nhận 1.070 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần. Đây đều là các khoản tiền gửi ngân hàng và đầu tư khác kỳ hạn từ 6-12 tháng, lãi suất từ 4,4-8,5%/năm.

Tương tự, hàng tồn kho VRE cũng giảm mạnh 45% xuống 639 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí xây dựng và phát triển các hạng mục nhà phố thương mại để bán.

Chiều ngược lại, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 47% lên 1,028 tỷ đồng, chủ yếu ghi nhận tại dự án khách sạn Bắc Ninh, Vincom Plaza Điện Biên, Vincom Plaza Biên Hòa 2 và Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị.

Đáng chú ý, tài sản dài khác tăng mạnh gấp 2,7 lần so với số đầu năm lên 10.346 tỷ đồng chủ yếu là tăng các khoản đặt cọc cho Tập đoàn VinGroup (công ty mẹ) và một số công ty cùng tập đoàn cho mục đích hợp tác đầu tư và kinh doanh cấu phần trung tâm thương mại của một số dự án bất động sản theo các thỏa thuận, hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh dự án.

Về cơ cấu nguồn vốn, VRE tại ngày cuối kỳ BCTC năm 2023 ghi nhận nợ phải trả gần 9.827 tỷ đồng, tăng gần 6%. Trong đó, vay và nợ ngắn hạn chỉ còn gần 20 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với số đầu năm là 1.065,3 tỷ đồng, nguyên nhân do VRE đã thanh toán khoản trái phiếu 1.045 tỷ đồng đáo hạn trong tháng IV/2023.

Trong khi đó, nợ vay dài hạn tăng 85% lên 3.916 tỷ đồng, do phát sinh 1.772 tỷ đồng khoản vay dài hạn tại Deutsche Bank. Khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản gắn liền với đất của trung tâm thương mại được sở hữu bởi công ty con.

Xem thêm tại nhadautu.vn