Vingroup, Hòa Phát, Vinaconex, Becamex IDC, UBCKNN đồng loạt cảnh báo về một vấn nạn nhức nhối

Trong thời gian ngắn, một loạt các công ty lớn như Vingroup, Hòa Phát, Vinaconex, Becamex IDC, SSI và cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Cục An toàn thông tin đồng loạt đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh nhằm lừa đảo tiền của các nhà đầu tư nhẹ dạ cả tin.

Nhìn chung, thủ đoạn là đưa ra các khoản đầu tư hấp dẫn, các thương vụ siêu hời kèm cam kết về độ an toàn để đánh vào lòng tham của con người.

Lừa đảo qua hội nhóm chứng khoán

Ngày 27/8, UBCKNN cho biết trên thị trường xuất hiện hiện tượng một số cá nhân tự nhận là nhân viên của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, gọi điện thoại để mời chào người dân đầu tư chứng khoán thông qua việc tham gia vào các diễn đàn, hội nhóm trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng giao dịch.

Trước tình hình này, UBCKNN khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi từ người lạ; cẩn trọng, cân nhắc tránh bị lôi kéo tham gia các ứng dụng, diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng với mục đích đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị kiến thức và tìm hiểu thông tin liên quan tại các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường, và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được UBCKNN cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện các cá nhân mạo danh công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cung cấp thông tin sai sự thật và các hành vi lừa đảo khác, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vingroup, Hòa Phát, Vinaconex, Becamex IDC bị mạo danh

Vingroup, Hòa Phát, Vinaconex, Becamex IDC, UBCKNN đồng loạt cảnh báo về một vấn nạn nhức nhối
Các đối tượng mạo danh Hòa Phát kêu gọi đầu tư, 15 phút lãi ngay 1,32%

Trước đó, nhiều website và fanpage trên Facebook giả mạo tên miền của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vingroup, Hòa Phát, Vinaconex, Becamex IDC đã được lập ra với mục đích lừa đảo thông qua huy động vốn đầu tư.

Cụ thể, các đối tượng tạo website hoaphat.cc, hptrading giả mạo Tập đoàn Hòa Phát nhằm thu hút đầu tư với những lời hứa hấp dẫn. Ví dụ, dự án phát triển sản xuất thép nội địa trị giá 253 tỷ đồng, đã đạt tiến độ 48%, kêu gọi đầu tư tối thiểu 2 triệu đồng với cam kết lợi nhuận 1,32% chỉ sau 15 phút.

Một website giả mạo với tên miền vingroup.ac được lập ra, sử dụng logo của Tập đoàn Vingroup. Tại đây, nhóm lừa đảo tạo ra 10 quỹ đầu tư với mức vốn góp từ 2 triệu đồng đến 12 tỷ đồng. Nhà đầu tư càng góp nhiều thì được hứa hẹn lợi nhuận càng lớn trong thời gian ngắn và không có rủi ro. Gói VIP nhất của website lừa đảo là "Quỹ phát triển công nghệ tương lai AI" với quy mô 128.600 tỷ đồng và đã huy động được 48%. Nhà đầu tư cần đầu tư tối thiểu 12 tỷ đồng và sau 120 phút sẽ nhận ngay khoản lãi 6,18%, tương ứng 742 triệu đồng.

Vinaconex đã đưa ra cảnh báo đến 4 lần về việc các đối tượng giả mạo Vinaconex và nhân viên công ty, sử dụng logo/con dấu giả, sử dụng các thông tin/hình ảnh công trình, dự án do Vinaconex thực hiện, kèm theo dấu hiệu có xu hướng kêu gọi/mời chào người truy cập thông qua các Thư mời tuyển dụng lao động/Xuất khẩu lao động… nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Becamex IDC cũng bị một số cá nhân, tổ chức tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh các dự án Nhà ở An sinh xã hội của Tổng Công ty Becamex IDC để cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua bán căn hộ của dự án.

Tỷ phú, người nổi tiếng cũng bị lợi dụng hình ảnh

Vingroup, Hòa Phát, Vinaconex, Becamex IDC, UBCKNN đồng loạt cảnh báo về một vấn nạn nhức nhối
Ảnh minh họa

Ngày 24/8, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo trực tuyến mới là mạo danh người nổi tiếng để chiếm đoạt tài sản. Ví dụ, một fanpage Facebook có tên “Showbiz Trending - Đưa Tin 24h” đã đăng tải một bài viết có tên “Bản hợp đồng số 1 - Trị giá 2 triệu đô của Phạm Nhật Vượng dành cho gà cưng Xuân Bắc và nhãn hàng của anh ấy đại diện - Tomford”.

Bài viết này đăng tải nội dung: "Lễ ký kết thành công, 5.000 mã giảm giá Tomford được đưa vào Việt Nam, tạo nên cơn địa chấn nước hoa trên toàn quốc" nhằm dụ dỗ người tiêu dùng mua hàng.

Chiều 20/8, CTCP Chứng khoán SSI thông tin rằng đã xuất hiện đối tượng lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT) trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn. Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, đối tượng sử dụng công nghệ AI để tạo hình ảnh, video giả mạo Chủ tịch SSI nhằm tư vấn đầu tư chứng khoán và dụ dỗ nhà đầu tư vào cạm bẫy.

Các đối tượng còn làm giả quyết định điều chuyển nhân sự và giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - ông Trần Đình Long để tạo ra các thông báo có dấu đỏ của Tập đoàn.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn