Vingroup sẽ cùng một tập đoàn Trung Quốc xây dựng cầu Tứ Liên qua sông Hồng
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh về tình hình triển khai xây dựng một số cây cầu lớn bắc qua sông Hồng, trong đó có cầu Tứ Liên.
Theo đó, TP. Hà Nội đã thống nhất chủ trương xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường Tứ Liên nối cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng nguồn vốn đầu tư công, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công xây dựng).
Đồng thời, UBND TP giao Phó Chủ tịch thành phố làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để thảo luận, thống nhất phương án xây dựng cầu Tứ Liên, nhằm đảm bảo dự án được triển khai hiệu quả, khả thi và sớm đưa vào thực hiện.
Bối cảnh 3D dự án cây cầu Tứ Liên. Nguồn ảnh: Vinhomes Cổ Loa |
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xem xét tờ trình của Sở Giao thông Vận tải liên quan đến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tham mưu và đề xuất để UBND thành phố trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2025.
Đồng thời, Sở này cũng được yêu cầu tham mưu phương án bố trí vốn đầu tư công để thực hiện dự án. Trước đó, tổng mức đầu tư của cầu Tứ Liên được tạm tính vào khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã gửi đề xuất lên UBND TP. Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Theo đó, Vingroup cam kết đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng cao và xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của Thủ đô. Cầu Tứ Liên được xác định là một dự án giao thông trọng điểm của TP. Hà Nội, nằm trong quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phía Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, đây là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, với hơn 1.000 dự án đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình hạ tầng và khu công nghiệp.
Năm 2023, tập đoàn này đạt doanh thu 79,5 tỷ USD và lợi nhuận 5,2 tỷ USD. Tại Việt Nam, Thái Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ với UBND TP. Hà Nội về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới. Ngoài ra, tập đoàn này cùng Vinaconex đã ký kết biên bản hợp tác với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhằm triển khai các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố.
“
Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn sông chảy trên đất liền Việt Nam dài 510km.
Đây là một trong những dòng sông quan trọng của văn hóa lúa nước Việt Nam. Nơi tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam là tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hàng năm rất lớn, lên tới 2.640m3/s (tại cửa sông), với tổng lượng nước chảy qua là khoảng 83,5 tỷ m3. Tuy nhiên, phân bố lưu lượng nước không đều. Vào mùa khô, lưu lượng nước giảm xuống chỉ khoảng 700m3/s, trong khi vào cao điểm mùa mưa, nó có thể đạt tới 30.000m3/s.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn