Vĩnh Long tạo quỹ đất công nghiệp đón nhà đầu tư lớn
Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) hiện đã lấp đầy, chủ đầu tư đang xin phép mở rộng giai đoạn III |
Vị trí đắc địa
Trong bối cảnh quỹ đất tại các trung tâm công nghiệp lớn ngày càng khan hiếm, chi phí giải phóng mặt bằng tăng cao, thì xu hướng dịch chuyển về các địa phương có vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối thông suốt, nhanh chóng tới các trung tâm kinh tế lớn là giải pháp tối ưu đối với các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) cũng như nhà đầu tư thứ cấp. Vĩnh Long là địa phương đáp ứng tiêu chí đó và đang rộng mở cơ hội để nhà đầu tư triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, lâu dài.
Với vị trí nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời nằm trên trục kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa, kết nối giao thương với TP.HCM, các tỉnh trong vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế khác của cả nước.
Đặc biệt, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc TP.HCM - Cần Thơ thông tuyến vào cuối năm 2023, đã đưa Vĩnh Long xích lại gần hơn với TP.HCM, khi chỉ cách trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước khoảng 100 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM về Vĩnh Long chỉ còn khoảng 1,5 giờ đi ô tô, từ đó tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh nói chung, cũng như các KCN trên địa bàn nói riêng.
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, để đảm bảo tính kết nối, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến đường cao tốc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tập trung huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng các tuyến đường chính, các tuyến liên kết vùng, để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc và từng bước hình thành, phát triển 2 hành lang kinh tế của tỉnh dọc sông Hậu và dọc sông Tiền. Qua đó, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Trong thời gian qua, tỉnh tập trung công tác quy hoạch, mời gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sẵn sàng đáp ứng cho các dự án đầu tư vào tỉnh.
Hiện trên địa bàn Vĩnh Long có 2 KCN đang hoạt động là KCN Hòa Phú giai đoạn I và II; KCN Bình Minh. Tổng diện tích đất tự nhiên là 385,8 ha; diện tích đất công nghiệp và dịch vụ có thể cho thuê là 290,56 ha, tỷ lệ lấp đầy 2 KCN này là 96,3%.
Hai KCN này có vị trí thuận lợi; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư. Trong đó, KCN Hòa Phú giai đoạn I và II (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) có diện tích 250,97 ha, nằm cặp Quốc lộ 1, chỉ cách trung tâm TP. Vĩnh Long 10 km, cách TP. Cần Thơ 20 km. Diện tích đất công nghiệp cho thuê của KCN Hòa Phú đã lấp đầy, chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục xin phép mở rộng giai đoạn III (diện tích dự kiến 157 ha).
Khu công nghiệp Bình Minh (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh) có diện tích gần 134,82 ha, nằm cặp Quốc lộ 1 và cặp sông Hậu, cách TP. Vĩnh Long 30 km, cách TP. Cần Thơ 5 km, thuận lợi về giao thông cả thủy, bộ và hàng không, khi nằm liền kề cảng Bình Minh, cảng Cái Cui, cách sân bay quốc tế Cần Thơ khoảng 15 km.
Với những lợi thế nêu trên, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN của Vĩnh Long trong thời gian qua đạt kết quả tích cực. Tính đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút được 68 dự án đầu tư, với tổng vốn thực hiện/đăng ký là 2.126,87/3.258,4 tỷ đồng (đạt 65,27%) và 699,93/1.008,63 triệu USD (đạt 69,39%); giải quyết việc làm cho 47.705 lao động.
Nhiều doanh nghiệp tại Vĩnh Long hoạt động hiệu quả, đã tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp tỷ trọng cao về giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu của tỉnh. Trong năm 2023, các KCN của Vĩnh Long đạt tổng doanh thu 28.856,35 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 19.096,29 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt hơn 621 triệu USD, nộp thuế gần 175 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Bình Minh - một trong 2 khu công nghiệp đang hoạt động tại Vĩnh Long, thuận lợi về giao thông cả thủy, bộ và hàng không |
Dọn chỗ đón nhà đầu tư lớn
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023; trong đó, về phương án phát triển hệ thống KCN, cụm công nghiệp, tỉnh Vĩnh Long phát triển các KCN, cụm công nghiệp tại những vị trí thuận lợi, kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng hàng hóa; đảm bảo các điều kiện hạ tầng điện, nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…
Đến năm 2030, khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, toàn tỉnh sẽ có 5 KCN. Cụ thể, thành lập mới 3 KCN tại thị xã Bình Minh, các huyện Bình Tân, Mang Thít. Tiếp tục nghiên cứu, mở rộng KCN Hòa Phú (giai đoạn III), diện tích 157 ha, khi được bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất của cấp có thẩm quyền.
Ở thời điểm hiện tại, ngoài 2 KCN đã đi vào hoạt động, Vĩnh Long còn có 2 KCN đã được thành lập là KCN Đông Bình và KCN Gilimex Vĩnh Long, với tổng diện tích 605 ha, dự kiến đất công nghiệp cho thuê là 443 ha. Ngoài ra, có 1 KCN đang trong quá trình xin chủ trương thành lập (KCN An Định với diện tích 200 ha).
Theo đó, KCN Đông Bình (thị xã Bình Minh) có diện tích 350 ha, đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định thành lập KCN Đông Bình; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Bộ Xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư TNI Vĩnh Long đang triển khai thực hiện dự án (hiện trong giai đoạn chuẩn bị đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư).
KCN Gilimex Vĩnh Long (huyện Bình Tân) có diện tích 400 ha, đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định đổi tên KCN Bình Tân thành KCN Gilimex Vĩnh Long; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án (giai đoạn I) với diện tích 255 ha; UBND huyện Bình Tân phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 KCN Gilimex Vĩnh Long, giai đoạn I. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
KCN An Định (huyện Mang Thít) có diện tích 200 ha, được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 và nhà đầu tư - Công ty cổ phần Long Hậu đã nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và UBND tỉnh Vĩnh Long để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Ông Trần Minh Khởi, Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, do diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê tại các KCN đã đi vào hoạt động không còn nhiều, nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban trong thời gian tới là tiếp tục tập trung phối hợp với các ngành và UBND thị xã Bình Minh, huyện Bình Tân, hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các KCN Đông Bình, KCN Gilimex Vĩnh Long, tạo quỹ đất công nghiệp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư lớn.
Riêng với KCN An Định, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiếp tục theo dõi quá trình thẩm định hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty cổ phần Long Hậu sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.
Xem thêm tại baodautu.vn