Vinhomes sản xuất ô tô điện tại Kỳ Anh; Tôn Đông Á mở công ty ở Indonesia; Hoa Sen rót trăm tỷ vào công ty con

Vinhomes xây nhà máy sản xuất ô tô điện tại Kỳ Anh

Thống nhất đề xuất chủ trương đầu tưdự án xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện 7.300 tỷ đồng tại thị xã Kỳ Anh của Vinhomes - thành viên Vingroup. Đây là nội dung trên được Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Tĩnh thống nhất tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19, ngày 29/11.

Theo đề xuất, nhà máy sản xuất ôtô điện tại thị xã Kỳ Anh của Vinhomes dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 6/2026

Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh được giao rà soát các thông tin của dự án, đảm bảo các điều kiện trước khi quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá, dự án có quy mô lớn, phù hợp định hướng phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt.

Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn người dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương thông qua các khoản thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và cơ cấu lao động.

Tỉnh kỳ vọng nhà máy ôtô điện không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xanh và còn góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu; giúp nâng cao hình ảnh Hà Tĩnh trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo tiền đề thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, sự phát triển của dự án được dự báo kéo theo hoạt động phụ trợ như logistics, cung ứng vật liệu, dịch vụ thương mại, đóng góp vào việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiệp đại với các ngành hỗ trợ như sản xuất linh kiện, pin... tạo thành một chuỗi nhà máy liên kết ngành sản xuất ôtô điện hiện đại tại khu kinh tế Vũng Áng.

Trước đó, Công ty cổ phần Vinhomes - thành viên của Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện trên diện tích đất hơn 362.000 m2 tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh.

Dự án có vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (chiếm 15%), vốn huy động hơn 6.200 tỷ đồng (chiếm 85%).

Theo văn bản đề xuất, dự án sẽ thực hiện trong 70 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2026. Giai đoạn một đến năm 2026 công suất 200.000 xe một năm, giai đoạn hai từ sau năm 2026 mỗi năm sản xuất 400.000 xe.

Bên cạnh nhà máy sản xuất ôtô điện sắp xây dựng, tại Hà Tĩnh, Vingroup cũng đầu tư một số dự án quy mô lớn khác. Cuối năm 2021, tập đoàn này đã xây dựng nhà máy pin xe điện VinES ở Vũng Áng trên diện tích gần 13 ha và bắt đầu cung cấp những sản phẩm đầu tiên cho mẫu VF6 từ giữa năm ngoái. Đồng thời, Vingroup cũng muốn đầu tư dự cảng biển, logistics (vốn 40.000 tỷ đồng) và khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh tại khu kinh tế Vũng Áng...

Tôn Đông Á mở công ty ở Indonesia để kinh doanh thép cuộn

CTCP Tôn Đông Á dự kiến chi hơn 25 tỷ đồng thành lập công ty ở Indonesia để bán buôn thép cuộn, nhằm nâng hiệu quả hoạt động kinh doanh.

 Tôn Đông Á sẽ góp vốn vào PT Indo Vina Steel ở Indonesia để kinh doanh thép cuộn

Theo nghị quyết HĐQT ngày 19/11, lãnh đạo Tôn Đông Á có ý định góp 25 tỷ đồng để mở một công ty tại Indonesia và lấy tên PT Indo Vina Steel để kinh doanh thép cuộn, tương đương nắm 51% vốn điều lệ doanh nghiệp mới này. Tuy nhiên, đối tác góp vốn không được tiết lộ.

Việc mở rộng ra khu vực Đông Nam Á đã được cổ đông Tôn Đông Á thông qua tại đại hội thường niên 2024 trước đó với lộ trình đầu tư kéo dài 4-6 năm.

Tôn Đông Á là doanh nghiệp nằm giữa chuỗi giá trị ngành thép, với đầu vào chủ yếu dùng thép cuộn cán nóng và cho ra các sản phẩm giá trị cao hơn như tôn kẽm, tôn lạnh… Công ty này cũng đang sản xuất và buôn bán sản phẩm thép cuộn cán nguội.

Hiện tại, Tôn Đông Á đang theo đuổi kế hoạch đầu tư xây nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép trong nước, ước tính cần 10.000 tỷ đồng cho 4 giai đoạn kéo dài 6-8 năm. Công ty dự kiến thành lập thêm doanh nghiệp TNHH và góp vào không thấp hơn 70%.

Nhà máy mới tiếp theo của Tôn Đông Á dự kiến đi vào hoạt động thương mại trong quý II/2026, trước mắt mỗi năm tạo ra thêm 300.000 tấn sản phẩm tôn mạ chất lượng cao nhằm phục vụ xuất khẩu. Hãng tôn mạ top 2 Việt Nam hướng đến mục tiêu sản xuất 2 triệu tấn thép mạ hàng năm, gấp 2,6 lần sản lượng năm 2023, với sản phẩm cuối cùng là đầu vào cho ngành xây dựng, ô tô, thiết bị gia dụng. 

Tập đoàn Hoa Sen rót thêm 320 tỷ đồng vào công ty con

Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua nghị quyết tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ từ 380 tỷ lên 700 tỷ đồng, tương đương việc rót thêm 320 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Hoa Sen

Hoa Sen Phú Mỹ - công ty con 100% vốn của Tập đoàn - đang sở hữu một dây chuyền ống thép công suất 332.000 tấn/năm và một dây chuyền ống thép mạ kẽm nhúng nóng công suất 85.000 tấn/năm.

Song song với quyết định tăng vốn, HĐQT Hoa Sen cũng vừa thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên niên độ tài chính 2024 - 2025 do tình hình ngành thép đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Hoa Sen vừa ghi nhận khoản lỗ ròng gần 186 tỷ đồng trong quý 4 niên độ tài chính năm 2024, chấm dứt chuỗi 6 quý có lãi liên tiếp, mặc dù doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân lỗ ròng chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm xuống 8% và chi phí vận hành tăng mạnh, trong đó chi phí bán hàng tăng 65% lên 909 tỷ đồng.

vậy, xét cả năm tài chính 2024, doanh thu thuần đạt 39,272 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế đạt 510 tỷ đồng, vượt 27.5% kế hoạch năm và gấp 18 lần năm trước.

2 công ty phục vụ mặt đất bắt tay thầu dự án ở sân bay Long Thành

Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) sẽ liên danh với Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) tham gia đấu thầu dự án “Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành”.

SAGS sẽ là thành viên đứng đầu liên danh cùng với HGS đấu thầu dự án tại sân bay Long Thành

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2024 ngày 26/11 của SAGS, 2 công ty phục vụ mặt đất sẽ tham gia đấu thầu dự án nói trên của Cục Hàng không Việt Nam với giá trị tối thiểu 781 tỷ đồng và không vượt quá 798 tỷ đồng, toàn bộ bằng vốn tự có và không sử dụng vốn vay.

SAGS sẽ là thành viên đứng đầu liên danh và góp 75% vốn, phần còn lại lấy từ tiền của HGS. Trường hợp trúng thầu, 2 bên sẽ cùng đầu tư, vận hành và khai thác theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Việc đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành bao gồm gói thầu số 1 và số 2. Mỗi dự án được thực hiện trên khu đất hơn 7 ngàn m2 và có giá trị đầu tư sơ bộ khoảng 781 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện trong khoảng 18 tháng cùng thời hạn dự án trong khoảng 24 năm 8 tháng.

Trước đó, ngày 25/10, bên mời thầu là Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức hội nghị tiền đấu thầu các dự án trên với sự tham gia của đại diện bộ, ban, ngành liên quan và 5 nhà đầu tư quan tâm.

SAGS HGS đều đang có vốn của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP, lần lượt 48,03% và 20%. Ngoài ra, Vietjet cũng nắm 9,11% vốn SAGS.

Kinh doanh thuận lợi, SAGS tiếp tục gia tăng lượng tiền trong tài khoản ngân hàng. Đến cuối quý III/2024, Doanh nghiệp đang giữ 290 tỷ đồng tiền mặt và 597 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, chiếm quá nửa tổng tài sản; đồng thời “nói không” với nợ vay.

SAGS đã lâu không chi đầu tư lớn. Tài sản cố định của Công ty đang tập trung gần như toàn bộ trong thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ở các sân bay với nguyên giá hạch toán hơn ngàn tỷ đồng nhưng đã được khấu hao gần hết, còn hơn 176 tỷ đồng.

Liên danh FPT Nha Trang muốn làm đô thị công nghệ

Liên danh FPT Nha Trang, được thành lập bởi Công ty TNHH Phần mềm FPT và Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng đã có hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đề xuất đầu tư dự án tổ hợp đô thị tại xã Phước Đồng và Vĩnh Thái, thuộc TP. Nha Trang.

Liên danh FPT Nha Trang được thành lập bởi Công ty TNHH Phần mềm FPT và Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng

Theo đó, liên danh FPT Nha Trang đề xuất diện tích thực hiện dự án hơn 50 ha. Trong đó, hơn 8 ha xây dựng trung tâm nghiên cứu phần mềm AI; gần 7 ha đất công trình xã hội. Còn lại là hạ tầng kỹ thuật, khu thương mại dịch vụ.

Ngoài ra, dự án còn có trên 17 ha đất ở, dành để xây chung cư, nhà ở xã hội, biệt thự, liền kề... Quy mô dân số dự án khoảng 20.000 người, tổng vốn đầu tư 9.230 tỷ đồng.

Trong đó, vốn nhà đầu tư gần 1.400 tỷ đồng và vay từ các tổ chức tín dụng, huy động nguồn hợp pháp khác trên 7.896 tỷ đồng. Dự án được đề xuất thực hiện trong 12 năm (từ quý II/2025 đến quý IV/2037).

Mục tiêu dự án là xây dựng khu đô thị công nghệ hiện đại, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đây là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, giải pháp an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo (AI)...

Dự án cũng nhằm góp phần thu hút đầu tư lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo và phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Xem thêm tại baodautu.vn