VN-Index có khả năng về vùng đỉnh cũ?
VN-Index nối dài 4 tuần hồi phục liên tiếp kể từ sau đợt giảm mạnh vào giữa tháng 4, với nhiều tín hiệu khả quan và bứt phá thành công vùng cản 1.250 - 1.260 điểm, mở ra kỳ vọng tiếp tục hướng lên vùng đỉnh ngắn hạn được xác lập cuối tháng 3 vừa qua là 1.280 - 1.300 điểm.
Hướng tới 1.300 điểm
Các tín hiệu kỹ thuật cũng xác nhận cho sự bứt phá, khi cả đường MACD và Signal vượt lên phía trên đường 0, Histogram dần mở rộng với giá trị dương tăng dần, RSI thể hiện động lực giá rõ ràng của bên mua khi tiến sát ngưỡng 70.
Cùng với đó, thanh khoản thị trường được cải thiện mạnh, theo thống kê bình quân 2 tuần vừa qua đạt gần 23.000 tỷ đồng, cao hơn 27% so với 2 tuần tạo đáy.
VN-Index mở ra kỳ vọng tiếp tục hướng lên 1.300 điểm. |
Nhìn chung, chuỗi tăng giá khá tốt trong thời gian qua của VN-Index nhờ đón nhận nhiều thông tin tích cực. Sau số liệu tích cực về CPI tháng 4, thị trường chứng khoán Mỹ đã thiết lập mức cao mới. Chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng có nhịp điều chỉnh và nhà đầu tư hiện đang tự tin hơn về kịch bản Fed sẽ giảm lãi suất điều hành vào cuộc họp tháng 9. Điều này giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá trong nước.
Tỷ giá trung tâm và tỷ giá mua/bán USD của các ngân hàng thương mại đã giảm nhẹ trong một vài phiên gần đây. Đồng thời, nhịp giảm mạnh của giá xăng trong nước (giảm hơn 8% trong vòng 1 tháng) sẽ giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát. Những diễn biến tích cực này đã cải thiện tâm lý nhà đầu tư, dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán đã thúc đẩy các chỉ số tăng điểm.
Mặt khác, nhiều thông tin mang tính tích cực như dự thảo gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến 31/12/2024, hay đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2024 theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì 1/1/2025 như trước đó hiện đã được Chính phủ chấp thuận,… đã giúp các nhóm ngành lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán có sự đồng thuận trở lại với xu hướng chính và củng cố đà tăng.
Theo đó, các cổ phiếu lớn như MWG, HPG, MSN, TCB ... đang thay nhau hỗ trợ thị trường và sắc xanh được lan tỏa trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này cho thấy thị trường vẫn đang được dẫn dắt theo hướng dần tăng, nhờ đó dần thu hút thêm dòng tiền từ nhà đầu tư đã và đang chờ đợi lâu nay.
Một điểm sáng khác là nhịp tăng vừa qua được củng cố khá tốt bởi dòng tiền khi thanh khoản khớp lệnh khá sôi động. Các phiên giao dịch đạt giá trị 1 tỷ USD dần quay trở lại. Tất cả những yếu tố này thể hiện sự hưng phấn và dứt khoát của bên mua để đưa chỉ số chung vượt qua vùng cản.
Theo giới phân tích, đà tăng của VN-Index đồng pha với diễn biến của chứng khoán thế giới sau khi đón nhận thông tin tích cực về lạm phát của Mỹ trong tháng 4. Chứng khoán Mỹ sẽ tạo hiệu ứng tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam và khả năng vượt vùng đỉnh ngắn hạn lên 1.300 điểm.
“Quán tính tăng điểm hiện tại hoàn toàn có thể đưa chỉ số VN-Index hướng tới vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm (vùng đỉnh cũ)”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT dự báo.
Kết hợp giải ngân và chốt lời
Thực tế sau đà hồi phục mạnh, chỉ số VN-Index hiện chỉ còn cách đỉnh ngắn hạn hơn 20 điểm, song một số nhóm cổ phiếu đã vượt qua ngưỡng này như: Bán lẻ, thực phẩm, cảng biển, dịch vụ hàng không, công nghệ, Viettel,… Vì vậy, nhiều ý kiến nhận định thị trường tiếp tục đi lên nhưng sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc hoặc chốt lời khi chỉ số chính tiến sát vùng đỉnh ngắn hạn.
Theo đó, về chiến lược hành động, ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên cao cấp Khối nghiên cứu, Chứng khoán MBS cho rằng tuỳ vào khẩu vị rủi ro hoặc khả năng chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư mà có hành động chốt lời hay tiếp tục giải ngân. Về kỹ thuật, việc chỉ số VN-Index đang có 4 tuần tăng liên tiếp nên khi tiến sát vào vùng đỉnh cũ hoặc vùng cản kỹ thuật, áp lực chốt lời sẽ càng gia tăng, nên các nhịp rung lắc cũng thường xuyên xảy ra cũng là diễn biến thuận lợi cho hoạt động trading dựa trên danh mục có sẵn.
Chuyên gia MBS nhấn mạnh, chiến lược "dọn cỏ, chăm hoa" - nắm giữ danh mục cổ phiếu đang có lãi, khỏe hơn thị trường, có sức đề kháng cao để gia tăng lợi nhuận ngắn hạn nên được ưu tiên. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên tận dụng những nhịp hồi trong phiên để giảm bớt tỷ trọng các cổ phiếu lỗ hoặc yếu hơn thị trường,…
“Các nhóm cổ phiếu có mức tăng vượt trội hoặc đã vượt đỉnh tháng 3 vừa qua chính là các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong thời gian sắp tới. Nổi bật là các nhóm cổ phiếu như: Viettel, Công nghệ, nhóm cổ phiếu xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, cảng biển, …) hoặc nhóm cổ phiếu phân bón, chứng khoán, bất động sản, v.v…”, ông Hưng lưu ý.
Tương tự, ông Nguyễn Huy Phương, Phó trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo thị trường sẽ kéo dài thời gian theo chiều hướng dần tiến đến vùng cản và có trạng thái phân hóa. Do vậy, nhà đầu tư nên kết hợp giải ngân và chốt lời: Giải ngân đối với những cổ phiếu đang có tín hiệu khởi sắc của dòng tiền từ vùng hỗ trợ; chốt lời đối với những cổ phiếu tăng nhanh đến vùng cản hoặc có diễn biến khó khăn tại vùng cản khi thị trường có một số tín hiệu rủi ro xuất hiện.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng với việc chưa có nhiều tín hiệu đảo chiều, nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ cổ phiếu để tránh mất đi các vị thế tốt sẵn có từ trước đó, nhưng cũng nâng dần giá bán chốt lời để phòng trường hợp thị trường có thể chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Với việc kỳ vọng một vùng giải ngân mới an toàn, nhà đầu tư có thể chờ khi thị trường xác nhận bằng nhịp bứt phá khỏi sau nhịp chớm vượt ngưỡng kháng cự kể trên.
Chuyên gia Đinh Quang Hinh khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc của thị trường trong quá trình hướng tới vùng đỉnh cũ để cơ cấu danh mục đầu tư, hướng tới các nhóm cổ phiếu chưa tăng mạnh hoặc đang có câu chuyện hỗ trợ như xuất khẩu (thủy sản, dệt may), bất động sản và chứng khoán.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn