VN-Index có thể đạt đỉnh 1.663 điểm, lợi nhuận ngân hàng tư nhân kỳ vọng tăng 20%
Vietcombank Securities (VCBS) đã công bố báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025 với tựa đề “Đón đầu kỷ nguyên vươn mình”.
Trong báo cáo, VCBS đặt triển vọng lớn vào chỉ số VN-Index có thể tăng trưởng tích cực và kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận toàn thị trường cho cả năm 2025.
VN-Index có thể đạt đỉnh 1.663 điểm
Theo nhóm phân tích từ VCBS, 2025 sẽ là năm đầy triển vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi EPS dự kiến tăng trưởng 12%. Trong kịch bản cơ sở, VN-Index được kỳ vọng chạm mốc 1.555 điểm, với tỷ lệ P/E đạt 14,6 lần – con số cho thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể.
Trong kịch bản lạc quan, khi nâng hạng thị trường thành công, VN-Index có thể đạt tới 1.663 điểm, đẩy P/E lên mức 15,3 lần. Đây là con số gần với bình quân khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi những thị trường lớn như Thái Lan hay Nhật Bản có P/E đạt đến 19 lần.
Trong kịch bản lạc quan, khi nâng hạng thị trường thành công, VN-Index có thể đạt tới 1.663 điểm |
VCBS cũng dự báo thanh khoản thị trường có thể đạt mức 29.500–30.500 tỷ đồng/phiên cho cả 3 sàn, đặc biệt sẽ tăng mạnh từ giữa quý II/2025. Động lực tăng trưởng đến từ các yếu tố:
Một là, với mục tiêu VN-Index đạt 1.555 điểm, vốn hóa toàn thị trường có thể tăng 20%-25%, kéo theo giá trị giao dịch cũng tăng tương ứng. Dữ liệu quá khứ cho thấy, mối tương quan giữa giá trị giao dịch và điểm số index lên tới 94%.
Theo VCBS, mối tương quan giữa giá trị giao dịch và điểm số index lên tới 94%. |
Hai là, mức bán ròng của khối ngoại dự báo mức sẽ giảm đáng kể so với năm 2024, chỉ khoảng 450 tỷ đồng/phiên.
Ba là, Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market) trong quý III/2025, dòng tiền ròng đổ vào thị trường có thể đạt 1,3–1,5 tỷ USD, tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường.
Bốn là, việc chuyển sàn của BSR và MCH sang HoSE có thể gia tăng thanh khoản thị trường. Cả hai đều đồng loạt nâng room ngoại lên mức 49% và 50%, hút dòng tiền lớn từ nhà đầu tư nước ngoài.
Lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân dự báo tăng 20%
Bên cạnh việc kỳ vọng vào thị trường chứng khoán, VCBS cũng đặt nhiều kỳ vọng vào hệ thống ngân hàng – động lực thúc đẩy lợi nhuận toàn thị trường.
Theo nhóm phân tích, lợi nhuận trước thuế (LNTT) ngành ngân hàng tiếp tục giữ đà tăng trưởng đạt mức khoảng 15% trong cả năm 2025, và có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Cụ thể, LNTT của nhóm ngân hàng tư nhân năng động dự kiến tăng trưởng 20%, nhóm quốc doanh duy trì ở mốc 12% và còn lại đạt 8%.
Dự báo lợi nhuận nhóm ngân hàng của VCBS |
Trong nhóm ngân hàng tư nhân năng động, VCBS đánh giá cao các ngân hàng: HDBank (HDB), MB (MBB) và Techcombank (TCB) với lợi nhuận kỳ vọng cho năm 2025 của từng ngân hàng có thể đạt mức 2x%.
HDBank là ngân hàng năng động với chiến lược phát triển bứt phá, tập trung mạnh vào phân khúc bán lẻ và SMEs tại các đô thị loại 2. VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế của HDBank cho năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 17.127 tỷ đồng và 21.613 tỷ đồng, lần lượt tăng 31,6% và 26,2% so với cùng kỳ. Như vậy, với kết quả tích cực, HDBank sẽ sở hữu chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 13 năm liên tiếp, khẳng định vị thế Top đầu.
Với dự báo của VCBS, HDBank sẽ sở hữu chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 13 năm liên tiếp |
Kết quả tích cực là nhờ tín dụng ngân hàng ghi nhận ở mức vượt trội, với tốc độ được kỳ vọng cao hơn mặt bằng chung của ngành, lần lượt đạt 24,4% trong năm 2024 và 25,8% vào năm 2025. Cùng với đó, NIM (biên lãi ròng) dự kiến sẽ cải thiện đáng kể nhờ chiến lược cho vay hiệu quả và tỷ lệ LDR (tín dụng trên huy động) duy trì ở mức thấp so với các ngân hàng khác.
Một động lực tăng trưởng quan trọng khác của HDBank đến từ công ty tài chính tiêu dùng HD Saison. Cụ thể, HD Saison kỳ vọng đóng góp vào LNTT của ngân hàng mẹ lần lượt 1.225 tỷ đồng cho năm 2024 và 1.650 tỷ đồng vào năm 2025, tăng lần lượt 108% và 35%.
Bên cạnh HDBank, MB được dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 35.808 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Động lực của ngân hàng đến từ việc duy trì tín dụng trong nhóm dẫn đầu, đồng thời cải thiện biên lãi ròng (NIM) nhờ tỷ lệ CASA gia tăng và tỷ trọng cho vay bán lẻ được đẩy mạnh. Hoạt động bán chéo sản phẩm – vốn đã hồi phục mạnh mẽ từ năm 2024, tiếp tục trở thành "đòn bẩy" cho nguồn thu ngoài lãi của MB, bên cạnh chất lượng tài sản được kỳ vọng cải thiện rõ rệt.
LNTT năm 2025 của Techcombank được kỳ vọng đạt 30.037 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 22%. Điểm sáng của ngân hàng là tín dụng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 kéo dài đến năm 2025, cùng với biên lãi ròng (NIM) cải thiện nhờ tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao. Hơn nữa, chiến lược tối ưu hóa chi phí đã phát huy hiệu quả rõ nét, trong khi việc đa dạng hóa nguồn thu nhập ngoài lãi mở ra tiềm năng tăng trưởng bền vững cho Techcombank.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn