VN-Index có thể sẽ rung lắc, ngành phân bón nhận tin vui

VN-Index có thể sẽ “rung lắc”

Với diễn biến tăng nhanh từ khu vực dưới 1.200 điểm, đà hồi phục của thị trường tiếp tục được nới rộng trong những phiên giao dịch đầu tuần qua. Cùng với các thông tin hỗ trợ từ dự thảo thay đổi chính sách và các dự án luật quan trọng trong kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều nhóm ngành thay phiên nhau bật tăng như chứng khoán, phân bón, hóa chất, bất động sản, công nghệ, bán lẻ, dệt may...

Càng về cuối tuần, VN-Index càng tiến gần hơn tới vùng hỗ trợ quan trọng đã đánh mất trước đó, 1.240 - 1.250 điểm. Mặc dù tâm lý thị trường dần thận trọng hơn và nhịp rung lắc bắt đầu xuất hiện, nhưng thị trường vẫn duy trì được trạng thái tích cực khi đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số chung đạt 1.250,46 điểm, gần như cao nhất tuần.

Về khía cạnh kỹ thuật, thị trường tiếp tục hồi phục và tiếp cận vùng kháng cự mạnh 1.240 - 1.250 điểm. Sự điều chỉnh trong phiên đã xuất hiện, nhưng mức độ giảm không lớn và thanh khoản duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy, áp lực bán hiện tại chưa đủ mạnh để thị trường điều chỉnh sâu. Do đó, với trạng thái cung thấp, thị trường có thể kéo dài đà hồi phục và tịnh tiến lên vùng 1.265 - 1.270 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng với nguy cơ thị trường sẽ rung lắc mạnh hơn do lực cầu chưa được cải thiện đáng kể.

Trong tuần này, nhà đầu tư có thể tiếp tục kỳ vọng thị trường tăng điểm, nhưng cần hạn chế mua đuổi, tránh trạng thái quá mua khi thị trường đang trong vùng cản. Để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư chỉ nên tham gia trong các nhịp điều chỉnh.

Phân bón - Thay đổi cục diện

Quốc hội vừa thông qua việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón trong Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), có hiệu lực từ năm 2025. Chính sách này nhằm giải quyết vấn đề lâu nay khi phân bón thuộc diện không chịu thuế gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước do không được khấu trừ thuế đầu vào, khiến giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Khi áp thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa, đặc biệt là các nhà sản xuất phân đơn như urê, lân và phân DAP, sẽ được hưởng lợi lớn. Các công ty như DPM, DCM, DDV, LAS có cơ hội giảm đáng kể chi phí sản xuất thông qua cơ chế khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, từ đó cải thiện biên lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Việc này cũng có khả năng làm giảm giá thành sản xuất một số loại phân bón nội địa như urê và DAP từ 0,87 - 2%, giúp ổn định giá cả thị trường và mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, nhất là người nông dân.

Tuy nhiên, tác động từ chính sách thuế giá trị gia tăng sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp sản xuất phân NPK, vốn sử dụng phân đơn làm nguyên liệu chính, sẽ không hưởng lợi nhiều do nguyên liệu đầu vào đã chịu loại thuế này, hoặc không bị ảnh hưởng đáng kể về giá. Tương tự, các nhà nhập khẩu phân bón không chịu tác động lớn vì thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu vào và đầu ra đều được áp dụng ở mức 5%, đồng nghĩa với biên lợi nhuận hiện tại được duy trì.

Nhìn chung, việc áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón không chỉ giúp giải quyết bất cập trong cơ chế thuế hiện hành, mà còn thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của ngành sản xuất phân bón nội địa. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh công suất sản xuất trong nước đã ổn định và giá phân bón trên thị trường không có nhiều động lực tăng mạnh. Chính sách thuế giá trị gia tăng mới hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho ngành phân bón trong nước, đồng thời tạo điều kiện cạnh tranh công bằng hơn với hàng nhập khẩu, góp phần ổn định và phát triển thị trường nội địa.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn