VN-Index có thể vận động trong vùng 1.236 - 1.262 điểm tuần 29/7-2/8

Tiếp tục điều chỉnh

Tuần giao dịch vừa qua (từ 22-26/7) chứng kiến thị trường biến động khá mạnh, nhất là khi chỉ số VN-Index bị đẩy xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.240 điểm bằng phiên giảm gần 23 điểm (-1,82%). Đây là phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.300 điểm.

Mặc dù chỉ số đánh mất ngưỡng hỗ trợ được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhưng thanh khoản ở phiên giảm này cũng chỉ ở mức 20.438 tỷ đồng trên toàn thị trường, là mức thấp trên nền thanh khoản tỷ USD kể từ đầu năm tới nay. Hầu hết nhóm ngành đều có sự sụt giảm thanh khoản, nhất là nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Hàng hóa và Dịch vụ công nghiệp, Tài nguyên cơ bản.

Nguồn: MBS Research
Nguồn: MBS Research

Ở 3 phiên liên tiếp, VN-Index ở dưới ngưỡng 1.240 điểm nhưng thanh khoản cũng rất thấp, bình quân 17.917 tỷ đồng, cho thấy áp lực bán đã giảm đáng kể trong khi với lực cầu nhỏ cũng đủ để đưa chỉ số lấy lại ngưỡng 1.240 điểm trong phiên cuối tuần. Các nhóm Thực phẩm đồ uống, Dịch vụ tài chính ghi nhận thanh khoản tăng lên so với tuần liền trước.

Về kỹ thuật, ngưỡng 1.240 điểm vừa là Fibonacci 61,8% của nhịp tăng kể từ ngày 19/4 đến giữa tháng 6, tương ứng với chỉ số tăng từ vùng 1.168 điểm lên 1.306 điểm, vừa là hỗ trợ EMA200 ngày. Với việc thanh khoản thấp khi thị trường tái kiểm định thành công vùng hỗ trợ, mở ra triển vọng thị trường tạo đáy sau nhịp giảm gần 80 điểm.

Theo nhận định của MBS Research, mặc dù thị trường vẫn giảm trong tuần vừa qua nhưng với 2/3 phiên tăng cuối tuần, mặt bằng thị trường đang có mức hồi tốt hơn. VN-Index lấy lại 1,5% kể từ đáy theo giá đóng cửa. Một số nhóm cổ phiếu có mức tăng khá tốt như: Dược phẩm, hàng không, hóa chất, công nghệ… Do vậy, nhìn từ góc độ test cung, thị trường đang cho kết quả tích cực, củng cố khả năng tạo đáy ngắn hạn.

Điểm tích cực là khối ngoại quay lại mua ròng +462 tỷ đồng sau 20 tuần rút ròng liên tiếp. Giá trị bán ròng từ đầu năm 2024 thu hẹp một chút còn -59,5 nghìn tỷ đồng. Giá trị mua ròng được đóng góp phần lớn bởi nhóm Thực phẩm đồ uống (+1,3 nghìn tỷ đồng) và theo sau là các nhóm Dầu khí (+112 tỷ đồng), Công nghệ thông tin, Điện nước xăng dầu khí đốt, Ngân hàng… Ngược lại, nhóm Hóa chất, Dịch vụ tài chính có giá trị bán ròng tăng lên; nhóm Bất động sản giảm giá trị rút ròng.

Đi ngang để tích lũy

Nhìn chung, bối cảnh trong và ngoài nước lúc này không có nhiều tác động bất lợi cho đà phục hồi của thị trường. Áp lực từ phía cung đang thấp cùng với biên lợi nhuận bắt đáy khả quan sẽ tạo được bộ đệm để nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trước các ngưỡng cản mà thị trường có cơ hội thử thách trong tuần này ở: Fibonacci 38,2%; khu vực 1.253 điểm hoặc MA100 và EMA21 ở khu vực 1.260 điểm.

Việc VN-Index giữ được vùng hỗ trợ mạnh 1.220 điểm đang cho thấy dấu hiệu tích cực. Các chỉ báo kỹ thuật RSI duy trì trên vùng trung tính mạnh trong khi ADX chưa đủ sức mạnh để hình thành xu hướng rõ nét. Với trạng thái tích lũy chủ đạo, dự báo VN-Index sẽ vận động trong vùng 1.236 - 1.262 điểm trong các phiên tới.

Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VPS, tuần giao dịch vừa qua vừa xác nhận vùng đáy, vừa xác nhận một lần nữa xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn tiếp tục từ tuần giao dịch tới. Chiến lược cho tuần này (29/7-2/8), ông Khánh khuyến nghị ưu tiên giao dịch những cổ phiếu giảm mạnh hoặc tích lũy chặt chẽ nhưng có kết quả kinh doanh triển vọng.

“Giá cổ phiếu có thể giảm quá đà ở các pha điều chỉnh sâu nhưng tôi có niềm tin các nhà đầu tư sẽ quay trở lại nếu đó là cổ phiếu đang có những lợi nhuận khả quan, có sự tăng trưởng tốt”, ông Khánh chia sẻ.

Còn theo MBS Research, cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như: Bất động sản với Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu đang có sức bật tốt như: Dược phẩm, Ngân hàng, Hóa chất, Sản xuất điện, Bất động sản khu công nghiệp.

Trong kịch bản cơ sở, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, VN-Index có thể xây nền và tích lũy trở lại trong vùng 1.230-1.260 điểm trong tuần giao dịch này. Với định giá thị trường đã về mức hấp dẫn hơn, các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể “bắt đầu xây dựng danh mục đầu tư cho tầm nhìn 6-12 tháng tới”, tập trung vào một số nhóm ngành có triển vọng kinh doanh cải thiện như Ngân hàng, Tiêu dùng-bán lẻ và Xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, các nhà giao dịch ngắn hạn cần chờ đợi thị trường “xác nhận xu hướng ngắn hạn” và “sự cải thiện của dòng tiền” trước khi gia tăng vị thế nắm giữ cổ phiếu”.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn