VN-Index đảo chiều giảm điểm, VCI, VIX, AGR ngược dòng tăng mạnh
11h30: Lực bán gia tăng về cuối phiên sáng khiến thị trường chuyển đỏ. VN-Index giảm 0,7 điểm về mức 1.262. Ngược lại, sắc xanh vẫn hiện hữu trên 2 sàn HNX và UPCoM.
Trạng thái giao dịch thận trọng ở nhóm cổ phiếu VN30 (đặc biệt là các mã ngân hàng) ngay đầu phiên khiến thị trường liên tục rung lắc. Bước vào giờ nghỉ, chỉ còn SSI, BVH, PLX và BCM đang tăng trên 1%. Cổ phiếu SAB bay cao trong phiên 6/3 đã quay đầu điều chỉnh.
Thanh khoản trên 3 sàn phiên sáng nay đạt hơn 14.100 tỷ đồng. Dòng tiền giao dịch tập trung ở nhóm cổ phiếu chứng khoán đẩy giá VCI tăng 3,7%, VIX tăng 3,2%, SHS tăng 3%, SSI-BSI tăng trên 1%. Cổ phiếu AGR và PSI thậm chí tăng kịch trần.
10h35: VN-Index tăng gần 6 điểm lên mức 1.268,5. Đà tăng có đóng góp của nhiều cổ phiếu midcap, largecap ngoài rổ VN30 như VCI (+5,7%), DGC (+3,4%), VIX (+3,5%), GMD (+1,5%)... Cổ phiếu VCI đang có cơ hội lớn trở lại mốc 50.000 đồng/cp - đỉnh 2 năm.
9h45: Thị trường chứng khoán mở cửa rung lắc hẹp sau phiên ATO. VN-Index tăng 2,7 điểm lên mốc 1.265 cùng trạng thái giao dịch cân bằng giữa các phe mua bán.
Nhóm chứng khoán để lại nhiều điểm nhấn trong đó DSC tiếp tục bay cao sau thông tin nộp hồ sơ chuyển niêm yết sang sàn HoSE. Các mã VCI, VIX, FTS, SHS, BSI, MBS tăng trên 1%; HCM, SSI, VND tăng nhẹ.
Cổ phiếu thép SMC tăng kịch trần sau thông tin thu về hơn 300 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn 13 triệu cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim.
Nhóm cổ phiếu họ dầu khí họ P cũng đang tăng giá trong đó PVD tăng 2,2%, PVC tăng 1,4%, PVS tăng 1,6%, PVB tăng 1,4%, PSH tăng 0,6%.
Trong bản tin nhận định ngày 7/3, nhiều công ty chứng khoán cho rằng VN-Index có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, rung lắc, thậm chí lùi về vùng hỗ trợ 1.240 điểm. Việc chỉ số tăng hơn 241 điểm từ đầu tháng 11/2023 và áp sát kháng cự 17 tháng là điều nhà đầu tư nên đặc biệt cân nhắc.
Yếu tố khác: Trong bài phát biểu chuẩn bị trước cho hai buổi điều trần trước Quốc hội trong ngày 6-7/3, ông Jerome Powell cho biết các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan ngại về rủi ro từ lạm phát và không muốn nới lỏng chính sách quá nhanh chóng.
"Khi xem xét điều chỉnh lãi suất chính sách, chúng tôi sẽ cẩn trọng đánh giá dữ liệu sắp tới, triển vọng tương lai và cán cân rủi ro. Uỷ ban vẫn sẽ không giảm lãi suất cho tới khi tự tin rằng lạm phát đang giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững".
>> Nhận định chứng khoán 7/3: Cơ hội lên 1.300 điểm của VN-Index vẫn 'rộng cửa'?
Xem thêm tại nguoiquansat.vn