VN-Index đầu tuần giảm về 1.240 điểm, nhiều cổ phiếu penny tăng trần
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới (13/5), tiếp đà sau 3 tuần tăng liên tiếp, VN-Index tăng điểm ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường nhanh chóng bị thu hẹp lại do lực cầu vẫn yếu do thiếu đi sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn. Sau khoảng hơn một giờ giao dịch, VN-Index đảo chiều khi lực cầu dường như vẫn rất yếu trong khi lượng cung vẫn tiềm tàng, nhất là khi VN-Index liên tục kiểm định mốc 1.250 điểm bất thành.
Sang đến phiên chiều, áp lực bán có phần mạnh hơn ngay đầu giờ. Tuy nhiên, việc chỉ số giảm sâu đã kích hoạt lực cầu giá thấp, qua đó, tiếp tục hỗ trợ VN-Index thu hẹp lại đà giảm. Dù vậy, lực cầu chỉ chấp nhận mua ở giá thấp nên khi VN-Index có những nhịp giảm và hồi phục đan xen nhau. Lực cầu giá thấp vẫn xuất hiện giúp chỉ số không bị giảm quá sâu nhưng vẫn kết phiên trong sắc đỏ.
Riêng trong nhóm VN30, số mã giảm áp đảo với 19 mã. Trong khi chỉ có 7 mã tăng và 4 mã đứng giá. Trong đó, VCB giảm 1,09% và là mã có tác động xấu nhất đến VN-Index khi lấy đi 1,37 điểm. Hai mã ngân hàng khác là CTG và BID giảm lần lượt 1,7% và 0,9% và cũng lấy đi của VN-Index lần lượt 0,72 điểm và 0,63 điểm. Ngoài ra, áp lực mạnh còn đến từ các cổ phiếu như FPT, VNM, HPG…
Bất chấp những biến động xấu của nhiều cổ phiếu ngân hàng, VPB bất ngờ đi ngược và tăng 1,62%, VPB cũng là mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 0,58 điểm. Mới đây, VPB đã công bố việc chốt ngày chi trả cổ tức bằng tiền. Cụ thể, Cụ thể, VPB sẽ thực hiện trả cổ tức 10%, tương ứng mỗi 1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức là 23/5/2024, ngày chi trả cổ tức là 31/5/2024.
Nhóm cổ phiếu hàng không vẫn có sự tích cực khi VJC tăng 1,6% và HVN tăng 1,48%. Hai này cũng đóng góp lần lượt 0,25 điểm và 0,16 điểm cho VN-Index.
Nhiều trụ cột ngân hàng giảm điểm kéo VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ |
Dòng tiền ở phiên hôm nay có phần tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu penny với quy mô vốn hoá nhỏ và có tính đầu cơ cao. Trong đó, các mã như VOS, ST8, APH, DRH, SAM, HQC, IDJ, API, APS… đều được kéo lên mức giá trần. Nhóm cổ phiếu “họ Apec” API, APS hay IDJ tăng trần sau thông tin ông Nguyễn Đỗ Lăng bất ngờ xuất hiện tại ĐHĐCĐ API.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,36%) xuống 1.240,18 điểm Toàn sàn có 203 mã tăng, 233 mã giảm và 72 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,68 điểm (0,29%) lên 236,36 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 69 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,26%) xuống 91,48 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt 741,6 triệu cổ phiếu, trị giá 17.214 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thoả thuận chiếm 2.466 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.674 tỷ đồng và 598 tỷ đồng. SHB là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 21,8 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, HAG và VIX khớp lệnh lần lượt 21,3 triệu đơn vị và 17,7 triệu đơn vị.
MWG tiếp tục là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên sàn chứng khoán |
Khối ngoại trên HoSE có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị ở mức khoảng 850 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã VHM với 125 tỷ đồng. CTG, VPB, STB và HDB đều nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Chiều ngược lại, MWG tiếp tục được mua ròng mạnh với 123 tỷ đồng. BAF đứng sau với giá trị mua ròng 52 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn