VN-Index được dự báo đạt 1.420 điểm năm 2025, cổ phiếu vốn hóa lớn hấp dẫn nhất
Thị trường chứng khoán Việt Nam có khởi đầu thuận lợi trong nửa đầu 2024, nhưng sau đó các lo ngại về tỷ giá và hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã kéo chỉ số chững lại trong nửa cuối năm 2024. Do đó, mức tăng trưởng của VN-Index thấp hơn đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu nhưng vẫn cao thị trường khu vực ASEAN.
Theo thống kê của MBS, Mid-cap và small-cap tăng lần lượt là 9,8% và 4,1% kể từ đầu năm, thấp hơn so với VN-Index. Dòng tiền đổ vào các cổ phiếu blue-chip đẩy chỉ số VN30 tăng 18, 2%.
Thanh khoản thị trường tăng tốc trong nửa đầu năm 2024, theo đà tăng của chỉ số, nhưng sau đó giảm xuống còn khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi phiên giao dịch trong giai đoạn tháng 10 – tháng 12. Tính cho cả năm, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày trên HOSE đạt 21.500 tỷ đồng tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2024, MBS dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường tăng 18% so với cùng kỳ từ nền thấp của năm 2023. Động lực chính cho sự cải thiện lợi nhuận toàn thị trường đến từ các nhóm ngành như ngân hàng tăng 15%, bán lẻ tăng 230%, vật liệu xây dựng tăng 81% và xuất khẩu tăng 40%.
Trong thời gian tới, nền tảng vĩ mô vững chắc, thể chế cải cách và chính sách tiền tệ thuận lợi sẽ lan tỏa đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nghiệp. Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo tăng trưởng lần lượt 18% và 19%, trong đó các ngành ngân hàng +20%/ +24%; vật liệu xây dựng +35%/31%; bất động sản nhà ở +14%/+6%; bán lẻ (27%/26%) và bất động sản công nghiệp 6%/17%.
Trong khi lợi nhuận năm 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi tăng trưởng doanh thu so với nền thấp của năm 2023, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng năm 2025. Giữa bối cảnh lãi suất giảm, chi phí đầu vào thấp (giá dầu Brent, hàng hóa,...), và mức tăng lương vừa phải, biên lợi nhuận gộp của nhiều ngành sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Tính đến ngày 5 tháng 12, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E TTM là 13.5, thấp hơn mức trung bình 3 năm (13.8x) và giảm 20% so với đỉnh 3 năm (16.7x
vào Q4/21). Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 18% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 12.5 – 13 lần P/E, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ đạt 1.400 – 1.420 trong năm 2025.
Các yếu tố hỗ trợ cho thị trường gồm: Năm 2025 sẽ đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế với mục tiêu phát triển đột phá 7 – 8% trong thập kỷ tới; Lợi nhuận thị trường năm 2025 - 2026 dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 18% và 19%, hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số; Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi; Kỳ vọng chu kỳ nới lỏng của Mỹ sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Rủi ro cho thị trườg là chính sách điều hành khó dự đoán của thời kỳ Trump 2.0 có thể tác động đến triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam, có thể làm chậm lại quá trình cắt giảm lãi suất của FED; Áp lực tỷ giá trong bối cảnh đồng VND yếu; Thị trường bất động sản nhà ở có thể phục hồi chậm hơn dự kiến, tạo gánh nặng lên tài sản đảm bảo của hệ thống ngân hàng.
Sự phục hồi gần đây của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã đưa định giá của VNMID lên mức 17.3x P/E 12 tháng, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí, các cổ phiếu vốn hóa vừa hiện tại được giao dịch với mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn đại diện bởi VN30 và VNX50 thấp hơn khoảng 11% so với mức trung bình của thị trường.
MBS tin rằng định giá cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn hấp dẫn hơn khi xét về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh giai đoạn 2025-2026 so với các nhóm cổ phiếu khác. Xét theo nhóm ngành, nhiều nhóm ngành đang có định giá P/E thấp hơn so với trung bình 3 năm gần nhất, mở ra nhiều cơ hội đầu tư tích lũy các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành.
Xem thêm tại vneconomy.vn