VN-Index giảm hơn 15 điểm, SHB khớp lệnh kỷ lục 127 triệu đơn vị

Thị trường chứng khoán kết thúc phiên 30/1 với mức tăng nhẹ với thanh khoản ở dưới mức trung bình. Chính điều này khiến nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn về thị trường. Các chỉ số mở cửa phiên sáng 31/1 trong sắc xanh nhẹ, sau đó lực bán gia tăng khiến chỉ số đảo chiều. Các chỉ số phần lớn thời gian sau đó của phiên giao dịch chìm trong sắc đỏ.

Sang phiên chiều, giao dịch trên thị trường cũng không mấy sáng sủa hơn, áp lực bán vẫn lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngân hàng và chính điều này khiến các chỉ số kết giao dịch trong sắc đỏ. VN-Index dù không đóng cửa thấp nhất phiên nhưng cũng xuyên thủng đường trung bình 20 phiên (MA20).

Nhóm ngân hàng và thép giao dịch tiêu cực và khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan, từ đó áp lực bán lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác. Đầu tiên phải nhắc đến là nhóm thép, sau khi nhận được lực đẩy tốt vào cuối phiên hôm qua, các cổ phiếu như NKG hay HSG giao dịch không mấy tích cực. NKG chốt phiên giảm đến 3,2% còn HSG dù nhận được lực đỡ tốt nhưng cũng giảm 1,1%. Các cổ phiếu nhỏ của ngành thép như POM, SMC… cũng giảm khá sâu. Kết quả kinh doanh của nhóm ngành thép được công bố không mấy khả quan, trong đó, NKG quý IV/2023 chỉ 22,5 tỷ đồng dù vậy, kết quả này cũng khá hơn cùng kỳ khi lỗ 414,3. Trong khi đó, POM là doanh nghiệp lỗ nhất ngành thép năm 2023. Riêng quý IV/2023, POM lỗ 313 tỷ. Đây là quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp của doanh nghiệp này. Còn cả năm lỗ đến 960 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng, SHB là tâm điểm của sự chú ý khi bất ngờ bị bán mạnh. Cổ phiếu này chốt phiên giảm đến 5,7% xuống 11.600 đồng/cp và khớp lệnh kỷ lục 127 triệu đơn vị. Hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm mạnh và gây áp lực rất lớn lên thị trường chung. Trong đó, EIB giảm 3,1%, VCB giảm 2,7%, TPB giảm 2,5%...

VCB là cổ phiếu tác động xấu nhất lên VN-Index khi lấy đi của chỉ số 3,44 điểm. Tiếp sau đó, BID và CTG lấy đi lần lượt 1,05 điểm và 0,79 điểm. Chiều ngược lại, FTS đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 0,13 điểm. NVL và SSI đóng góp 0,12 điểm và 0,09 điểm.

Nhóm chứng khoán và bất động sản phiên hôm nay ghi nhận nhiều mã đi ngược xu hướng thị trường chung. Tại nhóm chứng khoán, các cổ phiếu như FTS, MBS, VCI… tăng giá mạnh. FTS có lúc được kéo lên mức giá trần nhưng do ảnh hưởng trước sự rung lắc của thị trường chung nên kết phiên còn tăng 5,6%. MBS cũng tăng 3,2%..

Tại nhóm bất động sản, NVL gây chú ý khi tăng 1,5%. Đà tăng của NVL được cho là đến từ việc doanh nghiệp này công bố BCTC quý IV/2023 với mức lãi hơn 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản khác như DIG, IDJ… cũng giữ được sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,34 điểm (-1,3%) xuống 1.164,31 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 393 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,64%) xuống 229,18 điểm. Toàn sàn có 64 mã tăng, 94 mã giảm và 74 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,19%) xuống 87,69 điểm.

Thanh khoản thị trường phiên hôm nay tăng mạnh với tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 1,12 tỷ cổ phiếu trị giá 23.314 tỷ đồng, tăng 70% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.033 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.852 tỷ đồng và 1.979 tỷ đồng.

Với lượng cổ phiếu trao tay kỷ lục nên SHB phiên 31/1 đứng đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Tiếp sau đó, SSI và VIX khớp lệnh lần lượt 45 triệu cổ phiếu và 37 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại mua ròng đột biến khoảng 1.270 tỷ đồng trên toàn thị trường nhưng chủ yếu mua ròng ở sàn UPCoM. Mã AIC được khối ngoại mua ròng lên đến 1.140 tỷ đồng và chủ yếu thông qua thỏa thuận. SSI phiên hôm nay được mua ròng 195 tỷ đồng. HPG và AAA được mua ròng lần lượt 113 tỷ đồng và 95 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VRE với 186 tỷ đồng. VNM và VND bị bán ròng lần lượt 93 tỷ đồng và 70 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn