VN-Index hồi nhẹ, nhưng thanh khoản trở lại vùng thấp nhất năm

Trong phiên sáng 28/10, thị trường đã có những nhịp hồi nhẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài, lực bán chỉ cần gia tăng nhẹ cũng đủ để đẩy các mã về dưới mốc tham chiếu; đồng thời, việc thiếu trợ lực từ nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến VN-Index tạm dừng phiên sáng với mức giảm nhẹ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau thời gian ngắn đầu phiên lình xình dưới mốc tham chiếu, lực cầu cải thiện ở nhóm VN30 đã giúp một số mã trong rổ này hồi phục và trở thành động lực giúp thị trường tìm lại sắc xanh.

Mặc dù sau đó VN-Index có quay đầu về mốc 1.250 điểm, nhưng thị trường một lần nữa test thành công vùng hỗ trợ này và bật hồi, vượt qua mốc tham chiếu để ghi nhận mức tăng nhẹ hơn 2 điểm khi kết phiên.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là thanh khoản với giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng, là 1 trong 2 phiên có mức thanh khoản thấp nhất trong khoảng 1 năm qua. Điều này cho thấy bên bán đã hãm đà bán mạnh, nhưng bên mua vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc. Đồng thời, xu hướng thị trường vẫn chưa có gì thay đổi và đang trong quá trình tích lũy, chờ tín hiệu từ dòng tiền tích cực hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 211 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 2,05 điểm (+0,16%) lên 1.254,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 482,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 10.863 tỷ đồng, giảm 15,2% về khối lượng và 21,2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 25/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 81,18 triệu đơn vị, giá trị 1.645,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tích cực hơn, đã góp sức giúp thị trường chớm xanh. Kết phiên, chỉ số nhóm này tăng gần 3 điểm khi có 15 mã tăng và chỉ còn 9 mã giảm. Trong đó, VHM tiếp tục là gánh nặng chính khi lấy đi gần 1,2 điểm của chỉ số chung, kết phiên mã này vẫn giảm khá mạnh 2,6% xuống sát mức giá thấp nhất trong phiên là 42.700 đồng/CP, nhưng giao dịch vẫn sôi động khi có tới hơn 19,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngược lại, HPG có đóng góp lớn nhất với gần 0,5 điểm cho chỉ số chung, kết phiên mã này tăng 1,1% với thanh khoản đạt gần 12 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã khác như PLX và ACB cùng tăng hơn 1%; MSN, STB, TPB, STB đều tăng 0,9%...

Xét về nhóm ngành, dòng bank hồi phục nhẹ khi sắc xanh chiếm áp đảo nhưng chủ yếu chỉ tăng quanh mức 0,5%, ngoại trừ duy nhất ACB tăng tốt hơn với biên độ 1%. Trong khi đó, chỉ còn HDB giảm 0,93%, đáng kể là EIB trở lại đà giảm mạnh, kết phiên về vùng giá thấp nhất trong ngày là 19.850 đồng/CP, giảm 4,8%. Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất ngành là VIB khớp 14,48 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu 18.250 đồng/CP.

Nhóm chứng khoán vẫn tăng nhẹ, trong đó HCM, BSI, AGR, CTS, VDS đều tăng hơn 1%, tốt hơn là VND, FTS, ORS cùng tăng hơn 2%; trong khi thành viên mới trên sàn HOSE là DSC giảm 3,74%, VIX giảm 1,35% và tiếp tục có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt hơn 32,9 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, gánh nặng từ VHM đã khiến nhóm này không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh. Tuy nhiên, ở top cổ phiếu thị giá nhỏ như CIG, VRC, HPX, OGC, PTL đều giữ vững sắc tím, hay ở top mã nóng có DXG và NVL cùng tăng 1,5%, với DXG có thanh khoản đứng thứ 2 thị trường với hơn 21,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, thị trường giao dịch phân hóa và tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 80 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,01%), xuống 224,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,4 triệu đơn vị, giá trị 563,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 13,8 triệu đơn vị, giá trị 219,5 tỷ đồng, trong đó riêng HUT thỏa thuận 9,82 triệu đơn vị, giá trị đạt 157,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản vượt trội trên thị trường với 12,26 triệu đơn vị khớp lệnh, tuy nhiên kết phiên mã này “đi lùi” khi giảm 1,4%, về mức 14.000 đồng/CP, đồng thời bị khối ngoại bán ròng tới 7,86 triệu đơn vị. Trong khi đó, MBS vẫn ngược chiều tăng nhẹ 0,7%, đóng cửa tại mức giá 28.600 đồng/CP và khớp 1,58 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã chứng khoán khác có BVS khả quan khi đóng cửa tăng 2,3%; APS, PSI và IVS cùng đứng giá tham chiếu…

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, NRC không giữ được sắc tím nhưng kết phiên vẫn tăng tốt 5,3% với khối lượng khớp lệnh gần 2,1 triệu đơn vị; trong khi PGN đảo chiều thành công sau 3 phiên giảm mạnh và đóng cửa đứng tại mức giá trần 7.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,36%) lên 92,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 17,7 triệu đơn vị, giá trị 244,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 10,5 triệu đơn vị, giá trị 259,2 tỷ đồng, trong đó riêng VCR thỏa thuận 5,83 triệu đơn vị, giá trị 122,43 tỷ đồng và WSB thỏa thuận gần 1,8 triệu đơn vị, giá trị 104,4 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, VGI vẫn là điểm sáng khi đóng cửa tăng 4,4% với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt hơn 2,43 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là AAH khớp hơn 2 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 7,1%; BSR và HNG đều đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 1,96 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ trên dưới 5 điểm, với VN30F2411 tăng 4,8 điểm, tương đương +0,4% lên 1.332 điểm, khớp gần 130.400 đơn vị, khối lượng mở 53.110 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế lớn. Trong đó, hai mã thanh khoản cao nhất là CVHM2405 với 4,45 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 16,1% xuống 470 đồng/cq và CMSN2403 với 2,82 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa giảm 14,8% xuống 230 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn