VN-Index hồi phục mạnh sau khi “thủng” mốc 1.200 điểm
Sau ngày chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại trước dòng tiền nội tỏ ra khá yếu, bước vào phiên giao dịch ngày 20/11, áp lực bán trên diện rộng vẫn diễn ra và tiếp tục khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Áp lực bán của khối ngoại vẫn rất lớn và là nguyên nhân chính đẩy nhiều cổ phiếu trụ cột lao dốc. Trong đó, FPT và MWG là tâm điểm bán ra của dòng vốn ngoại. Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu giảm mạnh đã khiến VN-Index có thời điểm “thủng” mốc 1.200 điểm. Mức điểm thấp nhất của chỉ số này là 1.1.98,2 điểm.
Ngay sau khi VN-Index để “thủng” mốc 1.200 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt và điều này giúp nhiều nhóm ngành cổ phiếu hồi phục, các chỉ số vì vậy cũng đã có sự đảo chiều. Giao dịch trong phiên chiều diễn ra khá suôn sẻ dù đôi lúc vấp phải áp lực bán tương đối mạnh. Các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,39 điểm (0,95%) lên 1.216,54 điểm. HNX-Index tăng 1,61 điểm (0,73%) lên 221,29 điểm. UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (0,87%) lên 91,09 điểm. Toàn thị trường phiên hôm nay có đến 471 mã tăng, trong khi chỉ có 247 mã giảm và 843 mã đứng giá, không giao dịch. Thị trường ghi nhận 26 mã tăng trần nhưng vẫn còn có 21 mã giảm sàn./-strong/-heart:>:o:-((:-h Nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến tích cực nhất ở phiên hôm nay và là nhân tố chính giúp dòng tiền lan tỏa đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác.
Tâm điểm của nhóm bất động sản là cổ phiếu NVL khi tăng giá mạnh sau thông tin ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký Quyết định số 3479 chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
Nội dung điều chỉnh vừa được công bố tập trung vào quy mô dân số và chỉ tiêu đất đai tại phân khu C4, thuộc một phần khu đô thị phía tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây là bước pháp lý quan trọng tháo gỡ cho nhiều dự án của nhiều doanh nghiệp; đảm bảo sự đồng bộ các cấp quy hoạch tiếp theo, mở đường cho việc hoàn tất điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 và quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Aqua City, dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2025.
Bất chấp thời điểm thị trường chung bị bán mạnh, nhưng NVL vẫn duy trì được đà tăng tốt. Chốt phiên, NVL tăng 4,65%. Trong khi đó, DXG lại gây bất ngờ khi là một trong những mã tăng mạnh nhất nhóm bất động sản. DXG tăng đến 6,2%. Bên cạnh đó, DXS cũng tăng 6,5%. Các mã bất động sản như VRC, DIG, PDR, TCH, CEO… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Các nhóm ngành như chứng khoán, cảng biển - vận tải biển, khu công nghiệp, thủy sản… cũng đều có sự hồi phục tốt.
Trong nhóm VN30, VHM, FPT, CTG, TCB, BID… tăng giá tốt và góp phần trong việc kéo thị trường chung đi lên ở phiên hôm nay. VHM tăng hơn 2,6% và là mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi đóng góp 1,16 điểm. FPT sau khi bị bán mạnh ở đầu phiên bởi áp lực từ khối ngoại thì đã có sự hồi phục rất tốt và đóng cửa tăng 1,85%.
Ở chiều ngược lại, MWG là mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi của chỉ số này 0,25 điểm. MWG dù có những nỗ lực nhất định, thậm chí có thời điểm tăng giá tốt nhưng áp lực bán đặc biệt từ khối ngoài vẫn khá mạnh nên chốt phiên giảm 1,22%. Các mã như GAS, VTP… cũng đi ngược lại xu hướng hồi phục của thị trường chung. VTP giảm mạnh gần 5%. Các mã cùng “họ” Viettel là VGI, VTK hay CTR đều chìm trong sắc đỏ.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 767,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 17.807 tỷ đồng, tăng 34,4% so với phiên trước, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 2.614 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt là 1.011 tỷ đồng và 596 tỷ đồng.
VHM và FPT là 2 cổ phiếu có giá trị giao dịch vượt 1.000 tỷ đồng ở phiên hôm nay. Trong đó, VHM giao dịch được cao nhất với 1.221 tỷ đồng, FPT là 1.092 tỷ đồng. DXG và HPG đứng ở các vị trí tiếp theo với lần lượt 831 tỷ đồng và 584 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.245 tỷ đồng trên toàn thị trường ở phiên 20/11. VHM đứng đầu danh sách bán ròng với 340 tỷ đồng. FPT đứng sau với giá trị bán ròng là 258 tỷ đồng. MSB, HPG và SSI đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CTG được mua ròng mạnh nhất với 68 tỷ đồng. DIG và MWG được mua ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn