VN-Index hồi phục thận trọng; Phạt nặng bán chui; KRX “go live” với mốc hẹn tháng 12
Lời hẹn “go live” vào tháng 12 với hệ thống giao dịch mới KRX
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức cuộc họp với Thành viên thị trường về dự án hệ thống giao dịch mới. |
Ngay đầu tuần qua, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã phối hợp với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức cuộc họp với Thành viên thị trường bao gồm các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước trình bày về kế hoạch dự án và đôn đốc công tác phối hợp chuẩn bị hệ thống theo kế hoạch.
Tổng kết sơ bộ kết quả kiểm thử, 25/76 Công ty chứng khoán đã hoàn thành 100% các kịch bản kiểm thử, 36/76 công ty đã thực hiện trên 80% và 15/76 công ty đạt dưới 80%. Theo kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt kiểm thử cuối cùng (FAT) trong tháng 11/2023 và dự kiến KRX hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống vào cuối tháng 12/2023 để sẵn sàng triển khai.
Tại cuộc họp, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án và chuẩn bị hệ thống sẵn sàng đi vào vận hành vào cuối năm nay. Các thành viên thị trường chưa sẵn sàng kịp tiến độ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để có biện pháp nhằm hoàn thành dự án theo mục tiêu chung. Việc chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống mới là trách nhiệm của các thành viên thị trường và các đơn vị. HOSE, HNX, VSDC sẵn sàng hỗ trợ các công ty chứng khoán để đảm bảo đúng tiến độ dự án được Bộ Tài chính phê duyệt.
Hệ thống KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HoSE ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012, nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
Khi hệ thống KRX đi vào vận hành đầy đủ, dự kiến sẽ có một số thay đổi lớn như cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên thị trường chứng khoán cơ sở (giao dịch trong ngày), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, t hanh toán bù trừ trung tâm (CCP)...
Chỉ số đi lên trong thận trọng, cổ phiếu chứng khoán bật tăng nhờ tin tích cực
Trái với tuần tuần giảm sâu liền trước, cả ba chỉ số chứng khoán giao dịch bình ổn hơn trong tuần này. VN-Index tăng nhẹ 0,46% lên 1.183 điểm. UPCoM-Index cũng tăng nhệ, vượt mốc 91 điểm. Trong khi đó, HNX – Index hồi phục mạnh, tăng tới 2,94% lên 242,9 điểm, nhưng vẫn chưa lấy lại hết những gì đã mất trong tuần trước.
Khối lượng giao dịch trong tuần này sụt giảm so với tuần trước. Bình quân, khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 925,22 triệu đơn vị/phiên, giảm 19,72% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân đạt 19.980,64 tỷ/phiên, giảm 20,30% so với tuần trước. Trên sàn HNX, khối lượng giao dịch bình quân đạt 106,96 triệu đơn vị/phiên, giảm 28,5%; giá trị giao dịch bình quân đạt 1.919,05 tỷ/phiên, giảm 28,51% so với tuần trước.
Như tại phiên giao dịch giữa tuần, khi cổ phiếu giá rẻ giao dịch phiên bán tháo ngày thứ Sáu về tài khoản, giao dịch cũng rất thận trọng khi nhà đầu tư lựa chọn quan sát. Dòng tiền bắt đáy cũng đã được kích hoạt nhưng mức độ vẫn là khá hạn chế và phần nhiều mang tính chất thăm dò.
Sự hồi phục mạnh mẽ của HNX-Index tuần vừa qua có công lớn của cổ phiếu SHS khi góp tới 1,29 điểm tăng. Cổ phiếu chứng khoán đã có một tuần hồi phục mạnh mẽ, góp nhiều gương mặt trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực như SSI, MBS.
Thông tin thúc tiến độ dự án KRX cũng tạo cú hích tăng giá cho nhóm chứng khoán tuần qua, đặc biệt tại các cổ phiếu đầu ngành SSI (+13,78%), SHS (+11,92%), VND (+9,25%), MBS (+8,77%), VCI (+8,46%), BVS (+8,16%)...
Sàn UPCoM sắp đón thêm thành viên mới: Ông lớn sở hữu thị phần thứ hai ngành tôn
Tôn Đông Á chào sàn sau một năm rưỡi IPO. |
Ngày 24/8, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận đăng ký giao dịch hơn 114,69 triệu cổ phiếu GDA trên sàn UPCoM. Thời gian và giá tham chiếu ngày chào sàn chưa được công bố.
Tôn Đông Á đã trở thành công ty đại chúng kể từ sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 3/2022. Cụ thể, công ty chào bán 15,35 triệu cổ phiếu ra công chúng; bao gồm 12,37 triệu cổ phiếu phát hành thêm và 2,98 triệu cổ phiếu do cổ đông chào bán ra với giá tối thiểu 40.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá khởi điểm thực tế đã điều chỉnh giảm so với phương án ban đầu do tình hình thị trường chứng khoán khoảng thời gian đó khá tiêu cực.
Vốn điều lệ của Tôn Đông Á sau phát hành tăng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.147 tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu của doanh nghiệp ngành tôn này là niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Tuy nhiên, công ty không thể thực hiện do thua lỗ ở năm trước.
Năm 2022, doanh thu hợp nhất của Tôn Đông Á đạt 21.680 tỷ đồng, giảm 14,3% so với mức doanh thu vượt tỷ đô đạt được năm liền trước. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đứng vững vị trí thứ hai về thị phần về tôn mạ kim loại và tôn phủ màu, thậm chí còn là bên lấy thêm được nhiều thị phần từ quán quân thị phần là Tập đoàn Hoa Sen.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp sụt giảm, biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế âm 276,5 tỷ đồng.
UBCKNN phạt Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG vì bán chui cổ phiếu
Ngày 25/8, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) quyết định xử phạt 520,26 triệu đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 4 tháng đối với ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư LDG. Nguyên nhân bởi ông đã có hành vi bán khớp lệnh 2.601.300 cổ phiếu LDG ngày 15/8 nhưng không báo cáo dự kiến giao dịch.
Trước đó, ngày 16/8/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã thực hiện loại bỏ đối với giao dịch bán 2.601.300 cổ phiếu LDG ngày 15/8/2023 của ông Nguyễn Khánh Hưng.
Được biết, ngày 15/8, ông Nguyễn Khánh Hưng cho biết đã bán 2.601.300 cổ phiếu LDG để giảm sở hữu từ 3,92%, xuống còn 2,91% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn.
Lý giải về việc giao dịch “bán chui” cổ phiếu, ông Nguyễn Khánh Hưng cho biết, từ ngày 8/8 đến ngày 15/8/2023, ông có một số chuyến công tác xa nên đã thực hiện “thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ” và giao cho thư ký thực hiện công bố thông tin theo quy định. Nhân sự mới chưa nắm quy định nên dẫn đến sai sót, chậm trễ trong quá trình công bố thông tin.
Cũng trong tuần qua, UBCKNN đã xử phạt nhiều tổ chức. Ngày 24/8/2023, UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Chứng khoán APG với số tiền 60 triệu đồng. Công ty chứng khoán này đã không báo cáo khi có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (mã chứng khoán: PSG).
Cụ thể, ngày 03/02/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán APG đã bán 635.931 cổ phiếu PSG dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% số cổ phiếu có quyền biểu quyết, giảm từ ngưỡng 6% xuống ngưỡng 5%. Tuy nhiên, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không nhận được báo cáo về thay đổi tỷ lệ sở hữu của APG.
Ngày 17/8/2023, Công ty TNHH Dịch vụ khách sạn Thùy Dương Việt Nam đã nhận quyết định xử hành chính 77,5 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Là đơn vị phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng công ty đã không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gồm báo cáo tài chính năm 2020, bán niên năm 2021; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, bán niên năm 2021; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, bán niên năm 2021.
Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP cũng chịu mức án phạt tương tự. Công ty không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gồm báo cáo tài chính năm 2020, bán niên năm 2021, 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2020, bán niên năm 2021, 2022; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, bán niên năm 2021, 2022.
Xem thêm tại baodautu.vn