VN-Index lấy lại gần hết điểm giảm phiên trước, cổ phiếu vừa và nhỏ tăng nóng

Thị trường quay đầu phục hồi khá tích cực sau phiên bán tháo dữ dội cuối tuần trước. Dòng tiền hôm nay tuy có giảm nhưng vẫn tương đương mức trung bình trước khi có phiên đột biến hôm thứ Sáu vừa qua. Điều đó cho thấy lượng tiền chờ bắt đáy vẫn rất dồi dào, bất chấp những biến động rất mạnh quanh vùng đỉnh cũ. Khối ngoại cũng đua giá bất ngờ với DGC và HCM.

Đầu phiên sáng nay đà tăng không rõ rệt, thậm chí VN-Index vẫn có nhịp giảm theo quán tính nữa trước khi giằng co cân bằng. Kết phiên sáng chỉ số tăng không đáng kể gần 4 điểm. Tuy nhiên phiên chiều hưng phấn bất ngờ. VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất ngày, tăng 12,17 điểm (+1%) trong khi phiên cuối tuần trước giảm 15,31 điểm. Như vậy phiên phục hồi hôm nay lấy lại gần hết mức giảm trong ngày bán tháo.

Tuy nhiên độ rộng thị trường không thực sự tích cực như điểm số: HoSE kết phiên với 270 mã tăng/214 mã giảm. Nhóm blue-chips ngân hàng đóng góp khá nhiều vào lực kéo điểm số: BID tăng 3,08%, VCB tăng 0,67%, TCB tăng 2,74%, CTG tăng 1,28%. Toàn bộ 27 mã ngân hàng ở các sàn, chỉ có 10 mã tăng và nhóm mã nói trên tích cực nhất. Ngoài ngân hàng, còn có GVR tăng 4,54%, FPT tăng 3,95%.

Dù vậy VN30-Index hôm nay chỉ tăng 0,84% so thiếu vắng một số trụ lớn nhất, tiêu biểu là VIC giảm 1,33%, VPB giảm 1,28%. GAS, VNM, MSN, VHM là các mã lớn khác kém tích cực.

Các cổ phiếu vừa nhỏ có lợi thế lớn hơn trong phiên phục hồi này: Midcap tăng 1,59%, Smallcap tăng 1,12%. Toàn sàn HoSE đóng cửa với 111 mã tăng hơn 1% thì VN30 chỉ đóng góp 8 mã. Nhóm cổ phiếu thủy sản hôm nay kịch trần cả loạt với các đại diện VHC, ANV, ACL. Nhóm chứng khoán cũng bất ngờ với HCM, FTS, hóa chất có DGC… Hàng chục mã tăng nóng trên 2% hôm nay có thanh khoản rất cao, đều trên 100 tỷ đồng cho thấy có hiệu ứng dòng tiền đẩy giá thật sự, chứ không phải một phiên phục hồi trên nền thanh khoản thấp.

Diễn biến chỉ số VN-Index hôm nay.
Diễn biến chỉ số VN-Index hôm nay.

Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE hôm nay đạt 19.522 tỷ đồng, tuy có giảm 35% so với phiên kỷ lục cuối tuần trước nhưng vẫn là mức khá cao. Cụ thể, tuần trước nếu không tính phiên ngày thứ Sáu đột biến thì trung bình 4 phiên đầu tuần sàn này cũng chỉ khớp khoảng 19.784 tỷ đồng/phiên. Tới 18 tuần trước Tết chưa tuần nào mức khớp lệnh trung bình đạt quá 19.000 tỷ đồng/phiên.

Đáng chú ý là phiên thanh khoản tích cực hôm nay nối tiếp ngay sau phiên đột biến cuối tuần trước. Nếu dòng tiền bị “đánh úp” thì khó xuất hiện mức giao dịch lớn như vậy trong hôm nay. Hẳn phải có nhà đầu tư quay lại bắt đáy hoặc dòng tiền mới vốn đang chờ đợi đã nhảy vào mua.

Khối ngoại hôm nay cũng giải ngân khá tích cực và bán ra cũng lớn. Giao dịch chọn lọc, thậm chí là chấp nhận đua giá tại DGC và HCM – cả hai cổ phiếu đều đóng cửa giá kịch trần. DGC xuất hiện giá trị mua ròng cao nhất thị trường với 214,8 tỷ đồng, lượng mua từ khối ngoại chiếm xấp xỉ 29% tổng giao dịch. HCM được mua ròng 134 tỷ đồng, lượng mua khối ngoại chiếm 16% thanh khoản. Mặc dù được khối ngoại mua mạnh nhưng cầu nội mới là chính. HCM lập kỷ lục thanh khoản với 31,98 triệu cổ trị giá 884,6 tỷ đồng. DGC tuy không lập kỷ lục về khối lượng (7,5 triệu cổ) nhưng kỷ lục về giá trị với 788,5 tỷ đồng.

Ngoài hai cổ phiếu nói trên, nhà đầu tư nước ngoài giải ngân ròng khá tốt với HAH +35 tỷ, DBC +31,6 tỷ, BID +27,7 tỷ, HAG +26,3 tỷ, SSI +37,7 tỷ, HPG +37,4 tỷ, VND +26 tỷ, GMD +26 tỷ, GVR +24,1 tỷ. Phía bán ra có STB -173 tỷ, VPB -98,5 tỷ, MWG -81,7 tỷ, MSN -46,4 tỷ, PVD -35,4 tỷ, TPB -22,4 tỷ, DXG -20,3 tỷ. Do mua bán đều lớn, vị thế ròng cả phiên chỉ là +33,5 tỷ đồng trên sàn HoSE, rất nhỏ. Ngoài ra khối này mua ròng 44,8 tỷ đồng trên HNX, tập trung vào IDC +31,5 tỷ và MBS +20,2 tỷ.

Sự phân hóa về biên độ phục hồi hôm nay là rất đáng chú ý. Trong phiên bán tháo cuối tuần trước có tới 196 cổ phiếu sàn HoSE giảm trên 1%, trong đó 137 mã giảm trên 2%. Hôm nay mức phục hồi tốt, nhưng cũng chỉ có 111 mã tăng trên 1%, trong đó 73 mã tăng trên 2%. Nói cách khác, nhiều cổ phiếu dù tăng hôm nay vẫn chỉ là phục hồi bình thường sau một phiên giảm sốc và chưa thể bù đắp lại biên độ.

Xem thêm tại vneconomy.vn