VN-Index mất hơn 5 điểm phiên đầu tuần, xuống sát 1.280 điểm
Theo nhận định của một số chuyên gia, với cấu trúc tăng của thị trường vững chắc, các nhịp điều chỉnh của thị trường nếu có cũng sẽ không lớn, ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index ở quanh mức 1.270 điểm.
Nhóm chuyên gia khuyến nghị giải ngân tại các nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng, bất động sản và thép. Đây là các nhóm có tương quan cao với thị trường trong bối cảnh thanh khoản thị trường cải thiện tốt.
VN-Index mở cửa phiên đầu tuần (26/8) trong sắc xanh. Tuy nhiên, diễn biến này không kéo dài lâu khi áp lực xả hàng tăng dần từ giữa phiên sáng. Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM có thời điểm lùi xuống tham chiếu nhưng nhanh chóng lấy lại sắc xanh bởi dòng tiền tranh thủ giải ngân ở vùng giá thấp.
Từ giữa phiên chiều, thị trường chuyển sang trạng thái giằng co với những điểm tăng, giảm xen kẽ nhau bởi nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh. VN-Index đóng cửa tại 1.280,02 điểm, giảm 5,3 điểm so với phiên cuối tuần trước.
Bên bán chiếm ưu thế khi số lượng cổ phiếu giảm điểm là 259 mã, trong khi chỉ 148 mã đóng cửa trên tham chiếu. Rổ vốn hoá lớn cũng ghi nhận tình trạng tương tự khi có 21 mã giảm, trong khi chỉ 6 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh.
Nhóm thực phẩm dẫn đầu đà giảm khi hai cổ phiếu trụ là VNM và MSN đứng đầu danh sách 10 mã tác động tiêu cực nhất VN-Index. Cụ thể, VNM giảm 2% xuống 73.400 đồng, MSN giảm 2,18% xuống 76.200 đồng. Nhóm ngân hàng cũng có 3 đại diện góp mặt trong danh sách trên. Cụ thể, VCB giảm 0,43% xuống 92.000 đồng, CTG giảm 1% xuống 34.600 đồng và BID giảm 0,59% xuống 50.200 đồng.
Hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí cũng rơi vào trạng thái tiêu cực. Trong đó, DGC giảm 1,7% xuống 111.000 đồng, POW và PVD cùng giảm 1,1% lần lượt xuống 13.400 đồng và 27.600 đồng.
Tương tự, nhóm phân bón cũng gây áp lực lớn lên diễn biến thị trường. Cụ thể, BFC giảm 2,4% xuống 43.900 đồng, DPM giảm 2,2% xuống 34.900 đồng và DCM giảm 1,9% xuống 36.800 đồng.
Ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu họ Vingroup đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường trong phiên hôm nay. Cụ thể, VHM dẫn đầu bảng xếp hạng những mã tác động tích cực nhất đến VN-Index khi tăng 1,89% lên 40.500 đồng. Tiếp đến là VIC tăng 1,44% lên 42.150 đồng và VRE tăng 1,79% lên 19.850 đồng. VCF là cổ phiếu tăng hết biên độ duy nhất trong danh sách đóng góp tích cực, lên 233.200 đồng sau khi ban lãnh đạo công bố chi trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 250%.
Thanh khoản thị trường hôm nay đạt 18.302 tỷ đồng, tăng 1.466 tỷ đồng so với phiên trước đó. Giá trị này đến từ hơn 775 triệu cổ phiếu được sang tay, tăng 52 triệu đơn vị so với phiên cuối tuần trước. Rổ VN30 đóng góp vào giá trị giao dịch hơn 8.531 tỷ đồng, tương ứng 276 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công.
VPB đứng đầu về giá trị khớp lệnh khi đạt hơn 756 tỷ đồng (tương ứng 39,6 triệu cổ phiếu). Xếp tiếp theo là 2 mã đến từ nhóm chứng khoán gồm SSI xấp xỉ 673 tỷ đồng (tương ứng 19,8 triệu cổ phiếu) và HCM hơn 670 tỷ đồng (tương ứng 22,8 triệu cổ phiếu).
Nhà đầu tư nước ngoài có chuỗi bán ròng phiên thứ tư liên tiếp. Cụ thể, nhóm này bán ra gần 65 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.778 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân khoảng 1.389 tỷ đồng để mua gần 41 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó đạt 389 tỷ đồng.
Trên sàn TP.HCM, khối ngoại tập trung xả hàng cổ phiếu ngành thép với HPG khoảng 149 tỷ đồng, tiếp đến là HSG hơn 72 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào nhóm chứng khoán khi HCM hút ròng hơn 66 tỷ đồng và VCI hơn 57 tỷ đồng.
Xem thêm tại baodautu.vn