VN-Index 'quay xe' trong phiên chiều, thị trường có dấu hiệu bull trap?
Chốt phiên giao dịch ngày 18/4, VN-Index nhích nhẹ 1,87 điểm, kết thúc tuần trong sắc xanh với 1.219,12 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 21.500 tỷ đồng, gần như không đổi so với phiên liền trước.
Dù duy trì được sắc xanh nhưng thị trường chứng khoán đã phát dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Tại thị trường cơ sở, VN-Index từng leo lên mức 1.234 điểm nhưng nhanh chóng đánh mất hơn 15 điểm trước khi đóng cửa. Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận trên thị trường phái sinh. Hợp đồng tương lai VN30F1M bật lên mốc 1.318 điểm nhưng đảo chiều giảm mạnh và kết phiên tại 1.290 điểm – thấp hơn 13,4 điểm so với tham chiếu.
Nhịp đảo chiều của cả thị trường chứng khoán cơ sở lẫn thị trường phái sinh chủ yếu diễn ra trong phiên ATC – thời điểm phần lớn nhà đầu tư cá nhân không thể chủ động khớp lệnh.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này, hàng loạt cổ phiếu bị ép sàn, điển hình là VHM. Việc thị trường “đạp” mạnh vào phiên ATC khiến nhà đầu tư cá nhân gặp bất lợi khi không thể kịp thời chốt lời hoặc cắt lỗ, làm gia tăng rủi ro trong ngắn hạn.

Tại rổ VN30, mặc dù có tới 20 mã tăng giá nhưng chỉ số chỉ tăng vỏn vẹn 3 điểm. Cổ phiếu SHB là mã tích cực nhất nhóm khi duy trì được sắc tím với thanh khoản lên tới 156 triệu đơn vị.
Xếp sau SHB là FPT và VPB với đà tăng hơn 2%, còn các blue chip khác chỉ tăng nhẹ từ 0,5% - 1,5%. Thống kê cho thấy, các cổ phiếu SHB, FPT, VPB, VNM, GVR,... đóng góp tổng cộng hơn 4 điểm trong chiều tăng giá của thị trường.
Ngược lại, VIC là cổ phiếu giảm mạnh nhất nhóm khi “sàn cứng” với hơn 829.000 nghìn đơn vị dư bán. Chung cảnh bán tháo, VHM cũng mất 3,17%, xuống còn 55.000 đồng/cp. Áp lực điều chỉnh của bộ đôi Vingroup cùng HVN, VJC, MWG,... góp hơn 8 điểm vào đà giảm của thị trường.
Tại nhóm ngân hàng, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế. Ngoài SHB, cổ phiếu EIB và ABB là hai mã nổi bật nhất khi ghi nhận mức tăng trên 4%. Các cổ phiếu khác như MBB, BVB, MSB, BID, VIB,… cũng tăng từ 1% - 3,5%.
Tại nhóm chứng khoán, BSI và VCI là 2 cái tên duy nhất giảm điểm trong phiên hôm nay. Nhóm có vốn hóa nhỏ như APG, APS, EVS, SBS đứng giá tham chiếu với thanh khoản đi ngang. Các cổ phiếu còn lại ghi nhận mức tăng từ 1% - 4%.
Trái ngược với dòng tài chính – ngân hàng, nhóm bất động sản có sự phân hoá rõ rệt. Cổ phiếu EVG dẫn đầu nhóm bứt phá với mức tăng hơn 6%, theo sau là NVL với mức tăng hơn 3%. Trong khi đó, các cổ phiếu HDC, NLG và NHA giảm trên 1%. Một số cổ phiếu khác như DIG, CEO, TCH và BCR giữ nguyên mức giá tham chiếu. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang khá dè dặt.
Tương tự là các cổ phiếu thép, khu công nghiệp, thủy sản, dệt may,... Thanh khoản của các nhóm cổ phiếu tiếp tục đi ngang so với phiên hôm qua, phản ánh tâm lý thận trọng của dòng tiền.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gom FPT (+270 tỷ đồng), HPG (+67 tỷ đồng), SHB (+76 tỷ đồng),... Chiều ngược lại, nhóm này lại bán ra VIX (-84 tỷ đồng), HCM (-75 tỷ đồng), TPB (-54 tỷ đồng),... Tính chung, khối ngoại bán ròng tổng công hơn 8 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Từ góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang cho thấy một kịch bản không mấy tích cực: sau nhịp tăng mạnh mang dáng dấp của một phiên bùng nổ theo đà (follow-through day - FTD), chỉ số lại nhanh chóng rơi vào thế giằng co và xuất hiện những tín hiệu đặc trưng của một phiên “bull trap” (bẫy tăng giá). Hiện tượng bull trap thường xảy ra khi thị trường bật tăng mạnh trong ngắn hạn, tạo ảo giác về một xu hướng tăng bền vững đang hình thành, từ đó lôi kéo dòng tiền mua đuổi. Tuy nhiên, ngay sau đó, áp lực bán gia tăng trở lại có thể khiến thị trường quay đầu giảm sâu, đẩy những nhà đầu tư mua ở vùng giá cao rơi vào trạng thái “kẹt hàng”.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 11/4 được xem là một phiên bùng nổ theo đà (Follow-Through Day – FTD), với mức tăng 54 điểm (tương ứng 4,64%) và thanh khoản lên tới hơn 38.000 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với phiên “trần cứng” nhưng “cạn” thanh khoản liền trước. Về kỹ thuật, FTD là tín hiệu xác nhận đáy sau một giai đoạn điều chỉnh, mở ra khả năng hình thành xu hướng tăng mới. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là điểm khởi đầu cho một con sóng mới, và đã bắt đầu giải ngân vào các cổ phiếu dẫn dắt.
Tuy nhiên, FTD vốn không thể xem là một “lời xác nhận” chắc chắn cho xu hướng tăng. Thực tế, , VN-Index đã hai lần thử thách vùng kháng cự mạnh 1.235–1.240 điểm nhưng đều thất bại. Những nhịp rung lắc tại vùng này đã được nhiều công ty chứng khoán cảnh báo trước, cho thấy đây là khu vực “khó nhằn” cả về tâm lý lẫn kỹ thuật.
Trong kịch bản tiêu cực, nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới, sóng hồi hiện tại có thể xem là đã kết thúc. Khi đó, chỉ số VN-Index hoàn toàn có khả năng lùi về dưới mốc 1.200 điểm.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn