Thị trường đã trải qua những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 không mấy thuận lợi khi áp lực bán luôn thường trực sau đợt tăng kéo dài khiến VN-Index liên tục rung lắc và điều chỉnh giảm. Trong phiên sáng ngày 5/4, thị trường vẫn tràn ngập sắc đỏ và chỉ số VN-Index biến động quanh vùng giá 1.255 điểm với thanh khoản tiếp tục có dấu hiệu suy giảm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu cải thiện đã giúp thị trường bật hồi. Tuy nhiên, VN-Index chưa kịp chạm mốc tham chiếu đã quay đầu thoái lui và tiếp tục giật lùi trong đợt khớp lệnh ATC khi lực bán mạnh và dứt khoát hơn.
Chỉ số VN-Index đóng cửa sát ngưỡng thấp nhất trong ngày, chính thức mất mốc 1.260 điểm và là vùng giá thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2024 đến nay. Việc “phạm” vùng hỗ trợ - vùng quản trị rủi ro (theo đánh giá của giới phân tích), khiến thị trường chuyển qua trạng thái có phần tiêu cực hơn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh VN-Index tiếp tục giảm sâu và bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, thì thị trường vẫn nổi lên những con sóng nhỏ lẻ. Điểm sáng là NVL, nếu trong phiên sáng cổ phiếu này vẫn “hòa nhập” cùng sắc đỏ của thị trường, thì sang chiều đã đảo chiều hồi phục ấn tượng.
Lực cầu trong nước và cả nước ngoài tham gia mạnh mẽ đã giúp NVL có thời điểm kéo trần thành công. Đóng cửa, NVL tăng 4,6% lên mức 18.300 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Đồng thời, thanh khoản NVL ấn tượng với xấp xỉ 108 triệu cổ phiếu được giao dịch thành công, cũng là phiên thứ 3 trong lịch sử có khối lượng khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị (trước đó có phiên 22/11/2022 khớp hơn 128 triệu cổ phiếu và phiên 25/3/2024 với hơn 110 triệu cổ phiếu). Đồng thời, khối ngoại cũng đã tham gia mua ròng tới gần 12,4 triệu cổ phiếu NVL.
Một thông tin đáng chú ý với NVL là mới nhất, trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ (margin) quý II/2024 do HOSE công bố ngày 3/4 đã không còn sự xuất hiện của cổ phiếu này. Động thái diễn ra sau khi Novaland công bố BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023 với lợi nhuận là số dương.
Trong một diễn biến liên quan, Novaland vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 32.587 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.079 tỷ đồng, lần lượt tăng 585% và 122% so với cùng kỳ năm trước.
Một điểm sáng khác là cổ phiếu HVN cũng đã ghi nhận phiên ngược dòng thị trường đầy ấn tượng. Đóng cửa, HVN tăng 6,67% lên sát trần 16.000 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong hơn 1 năm qua của cổ phiếu này, đồng thời thanh khoản cũng sôi động với hơn 4,64 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bluechip không ngoài xu hướng chung của thị trường khi kết phiên giảm gần 10 điểm với sự ghi nhận 26 mã giảm và chỉ còn 2 mã là VPB và MWG giữ được mức tăng nhẹ hơn 0,5%.
Xét về nhóm ngành, chỉ còn 2 nhóm nhỏ lẻ là nông – lâm – ngư và nhóm vận tải – kho bãi giữ được mức tăng nhẹ, còn lại đều giảm khá sâu. Trong đó, dòng bank tạo sức ép lớn nhất với VCB lấy đi 1,51 điểm của chỉ số chung, BID cũng lấy đi hơn 1,1 điểm, còn TCB, MBB lấy đi trên dưới 0,6 điểm.
Đóng cửa, VIB là cổ phiếu giảm sâu nhất nhóm ngân hàng khi để mất 2,16%, còn lại các cổ phiếu khác giảm trên dưới 1%, với STB và MBB thanh khoản tốt nhất đều đạt hơn 25 triệu đơn vị, tương ứng giảm 0,3% và 1,9%.
Nhóm chứng khoán trên sàn HOSE đồng loạt giảm sâu hơn, trong đó có những mã như FTS giảm 6,73%, CTS và VDS cùng giảm hơn 6%, ORS giảm 5,33%, VCI, VIX, TVB, HCM, AGR giảm trên dưới 4%... Trong đó, VIX giảm 4% và khớp lệnh 51,52 triệu đơn vị; SSI giảm 2,3% và khớp 31,24 triệu đơn vị.
Chốt phiên, sàn HOSE có 116 mã tăng và 381 mã giảm, VN-Index giảm 13,14 điểm (-1,04%), xuống 1.255,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,08 tỷ đơn vị, giá trị hơn 25.193 tỷ đồng, tăng 10,2% về khối lượng và 5,58% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38 triệu đơn vị, giá trị hơn 836 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, mặc dù có thời điểm le lói sắc xanh nhưng áp lực bán mạnh trên diện rộng gia tăng đã khiến thị trường quay đầu giảm sâu về mức giá thấp nhất trong ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 2,76 điểm (-1,14%), xuống 239,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 126,66 triệu đơn vị, giá trị 2.656 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,52 triệu đơn vị, giá trị 99,53 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh, chủ yếu thuộc nhóm khai khoáng là PVC tăng 5,8%, TDN tăng 2,9%, TVN tăng 1,4%; trong khi có tới 22 mã giảm với L18 giảm sâu nhất là 4,6%; tiếp theo là MBS giảm 3,7% và PVG giảm 3,2%.
Nhiều mã đáng chú ý khác như CEO giảm 2,1%, PVS đảo chiều giảm 1,6%, HUT giảm 1,1%, TNG giảm 2,7%...
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng đồng loạt giảm sâu hơn, trong đó SHS kết phiên giảm 2,9% xuống mức giá thấp nhất trong ngày là 19.800 đồng/CP và khớp lệnh vẫn cao nhất thị trường với gần 27,5 triệu đơn vị; MBS giảm 3,7% và khớp 4,66 triệu đơn vị, BVS và VIG cùng giảm 2,4%...
Tuy nhiên, IVS vẫn là điểm sáng của ngành chứng khoán dù biên độ thu hẹp, đóng cửa tăng 4,6% lên mức 13.700 đồng/CP, khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường duy trì trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,4%), xuống 90,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,64 triệu đơn vị, giá trị 906,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,5 triệu đơn vị, giá trị 68,27 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR một lần nữa thất bại ở mức giá 20.000 đồng/CP. Đóng cửa, BSR chỉ còn tăng 2,1% lên mức 19.900 đồng/CP, thanh khoản vẫn vượt trội với hơn 23,94 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trong khi đó, một số mã đáng chú ý khác đều giảm khá mạnh, như DDV giảm 6,2% xuống mức giá 15.200 đồng/CP, VGI giảm 1,1% xuống 54.800 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2404 giảm 12,9 điểm, tương đương -1% xuống 1.252,1 điểm, khớp lệnh gần 229.110 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.720 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế lớn, với CSTB2322 phiên này khối lượng giao dịch sôi động nhất đạt 4,15 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 8,6% xuống 320 đồng/cq. Tiếp theo là CVNM2311 khớp 2,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,5% xuống 660 đồng/cq.