VN-Index rung lắc mạnh tại vùng kháng cự, khối ngoại bán ròng 600 tỷ

Mở cửa phiên sáng 25/4, VN-Index khởi đầu đầy hứng khởi khi bật tăng mạnh, có lúc chạm mốc 1.230 điểm – cao hơn hơn 10 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng nhanh chóng về cuối phiên khiến đà tăng dần thu hẹp, chỉ số lùi xuống đóng cửa tại 1.222,63 điểm, giảm nhẹ 0,72 điểm. Thanh khoản sàn HoSE cải thiện nhẹ, đạt gần 8.600 tỷ đồng, cao hơn so với phiên trước đó.

Đà tăng của thị trường bị thu hẹp khiến sắc đỏ lan tỏa trên cả 3 sàn trong phiên sáng nay. Sàn HoSE khép lại phiên sáng với 279 mã giảm, gấp rưỡi số mã tăng (167), trong khi có 66 mã đứng giá.. Trên sàn HNX, diễn biến cũng không mấy khả quan với 85 mã giảm, trong khi số mã tăng dừng lại ở 61 và 64 mã giữ giá. UPCoM trở thành điểm sáng hiếm hoi của thị trường khi ghi nhận 170 mã tăng, vượt trội so với 98 mã giảm và 109 mã đi ngang.

Trong rổ VN30, VIC tiếp tục là tâm điểm khi chạm trần ngay từ phiên ATO. Tuy nhiên, đà hưng phấn không kéo dài khi cổ phiếu này hạ nhiệt về cuối phiên sáng, chỉ còn tăng hơn 4%. Bên cạnh VIC, một số mã khác như VNM, GAS, MSN, MBB cũng duy trì được sắc xanh, nhưng mức tăng khá khiêm tốn.

Ngược lại, LPB và SHB dẫn đầu nhóm giảm điểm khi cùng mất khoảng 2% so với tham chiếu. Xét về yếu tố kỹ thuật, SHB phát tín hiệu tạo đỉnh, trong khi xu hướng giảm giá tại LPB vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Nhiều mã vốn hóa lớn khác như HPG, CTG, BCM, VRE cũng ghi nhận mức giảm quanh 1%, kèm theo thanh khoản suy yếu rõ nét so với phiên trước đó.

Thị trường chứng khoán khởi đầu đầy hưng phấn nhưng nhanh chóng hạ nhiệt

Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục chịu áp lực bán mạnh, bất chấp kỳ vọng từ việc hệ thống KRX sẽ chính thức vận hành vào đầu tháng 5. Toàn bộ nhóm đồng loạt chìm trong sắc đỏ, trong đó các mã lớn như HCM, SSI, VND, CTS, BSI, FTS giảm từ 1% đến 2%.

Tâm điểm tiêu cực thuộc về SBS – cổ phiếu giảm sâu nhất toàn thị trường khi mất tới 11%. Nguyên nhân đến từ thông tin được công bố tại ĐHĐCĐ sáng nay rằng Sacombank sẽ không thực hiện kế hoạch mua lại công ty chứng khoán này. Thông tin bất ngờ lập tức kích hoạt làn sóng bán tháo, khiến áp lực cung tăng đột biến chỉ trong vài chục phút giao dịch.

Tại nhóm bất động sản, NVL là cái tên giảm mạnh nhất khi mất gần 4%. Đà giảm của cổ phiếu này xuất hiện sau khi ông Bùi Cao Nhật Quân – con trai Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn – thoái vốn bất thành khỏi Novaland. Ngoài NVL, nhiều mã trong ngành như HDC, DXG, DXS, CEO… cũng đồng loạt giảm từ 1% – 2%.

Nhóm thép tiếp tục thể hiện sự yếu kém khi không có mã nào tăng giá. Các cổ phiếu như POM, VGS, TVN giằng co quanh tham chiếu, trong khi HPG, HSG, NKG, SMC giảm nhẹ, cho thấy lực cầu đang tỏ ra thận trọng trước áp lực điều chỉnh chung của thị trường.

Về hoạt động của khối ngoại, lực bán ròng vẫn chiếm ưu thế rõ rệt. Nhóm này tiếp tục mua ròng tại MWG (+48 tỷ đồng), HDB (+28 tỷ đồng)… nhưng lại bán mạnh STB (-147 tỷ đồng), FPT (-79 tỷ đồng) và VIC (-70 tỷ đồng). Tổng giá trị bán ròng sáng nay xấp xỉ 600 tỷ đồng, cho thấy tâm lý phòng thủ vẫn đang chiếm ưu thế trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

VN-Idex đang đứng trước ngưỡng kháng cự mạnh

Những diễn biến vừa qua phản ánh rõ nét tâm lý thận trọng và áp lực bán gia tăng của thị trường khi VN-Index tiếp cận vùng 1.230 điểm. Đây là ngưỡng kháng cự mạnh đã nhiều lần khiến chỉ số thất bại trong nỗ lực bứt phá, cho thấy lực cản kỹ thuật vẫn còn khá lớn tại vùng giá này.

Việc VN-Index tiếp tục dao động quanh mốc 1.230 điểm đã được Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo từ phiên trước. Tuy nhiên, theo đơn vị này, vùng kháng cự có ý nghĩa quyết định nằm trong khoảng 1.245 – 1.250 điểm. Nếu chỉ số vượt qua được vùng này, xu hướng ngắn hạn nhiều khả năng sẽ được xác lập, với mục tiêu tiệm cận mốc 1.310 điểm.

Ở chiều ngược lại, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra quan điểm thận trọng hơn. Theo đánh giá của BSC, VN-Index vẫn đang vận động trong biên độ rộng từ 1.200 đến 1.240 điểm, và chưa có tín hiệu rõ ràng cho thấy sự hình thành của một xu hướng tăng bền vững. Trong bối cảnh dòng tiền có xu hướng phân hóa mạnh, tâm lý thị trường thiếu ổn định và lực đỡ từ các nhóm cổ phiếu trụ cột còn hạn chế, BSC khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục duy trì sự cẩn trọng, bởi rủi ro điều chỉnh vẫn chưa thể loại trừ trong ngắn hạn.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn