VN-Index “sập” 1,3%, thanh khoản đạt kỷ lục 3 tuần

Giao dịch khớp lệnh 2 sàn niêm yết chiều nay đã thấp hơn buổi sáng khoảng 16% nhưng điều đó không có nghĩa là áp lực bán giảm. Bên mua đã thoái lui khiến lực cầu đỡ càng kém, tạo điều kiện cho giá giảm sâu hơn. VN-Index tiếp tục lao dốc xuống đáy thấp nhất lúc đóng cửa, mất 15,34 điểm tương đương -1,3% với số mã giảm gấp gần 4 lần số tăng.

“Tội đồ” của chỉ số dĩ nhiên vẫn là nhóm ngân hàng, thậm chí lúc đóng cửa VCB có lúc dự kiến khớp giá kịch sàn. VCB không phải là cổ phiếu yếu nhất nhóm này, nhưng mức giảm 2,75% đi cùng vốn hóa lớn nhất thị trường có tác động nghiêm trọng. Chỉ riêng cổ phiếu này đã khiến VN-Index mất hơn 2,6 điểm. Ngân hàng tiếp tục chiếm 6/10 mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất.

Phiên sáng nhóm ngân hàng chiếm 8/10 mã. Điều này xác nhận có thêm nhiều trụ khác giảm sâu hơn so với buổi sáng. Cụ thể, MSN giảm 2,57%, GAS giảm 1,31%, VHM giảm 1,19%, GVR giảm 2,4%... Rổ VN30 đóng cửa giảm 1,3% với duy nhất 3 mã tăng nhưng tới 26 mã giảm. Tới 7 mã trong nhóm đỏ giảm trên 2%, 10 mã khác giảm từ 1% tới 2%. Số tăng có SSI tăng 0,73%, FPT tăng 01,% và VNM tăng 0,15%.

Áp lực bán mạnh thậm chí có thể nhìn thấy rõ nhất ở cả nhóm cổ phiếu xuất sắc buổi sáng là chứng khoán. Chốt phiên sáng, nhóm này có 6 mã giảm/21 mã tăng trong đó 17 mã tăng trên 1%. Kết phiên chiều còn 12 mã tăng nhưng chỉ 7 mã tăng trên 1%.

Thanh khoản khớp lệnh hai sàn niêm yết chiều nay đạt 10.533 tỷ đồng, giảm 16% so với phiên sáng. HoSE giảm 15% với 9.785 tỷ đồng. Tuy giao dịch có giảm xuống nhưng nguyên nhân là do bên mua rút lệnh nhiều hơn. Bằng chứng là tuy độ rộng không kém hơn bao nhiêu so với phiên sáng (106 mã tăng/346 mã giảm và 101 mã tăng/393 mã giảm), nhưng phiên sáng mới có 116 mã giảm trên 1% trong VN-Index, đến chiều là 160 mã.

Trong nhóm thanh khoản hàng đầu, cổ phiếu chứng khoán vẫn có một số mã duy trì sắc xanh, nhưng tổng thể vẫn là yếu hơn nhiều so với phiên sáng.
Trong nhóm thanh khoản hàng đầu, cổ phiếu chứng khoán vẫn có một số mã duy trì sắc xanh, nhưng tổng thể vẫn là yếu hơn nhiều so với phiên sáng.

Cổ phiếu ngân hàng, thép, bất động sản chịu áp lực bán cực mạnh. SHB và STB thậm chí giao dịch tới 1.509,7 tỷ đồng và 1.037,3 tỷ đồng giá giảm tương ứng -5,69% và -2,61%. SHB hôm 10/1 vừa qua cũng có phiên thanh khoản đột biến 1.129 tỷ đồng nhưng giá đóng cửa hôm nay còn thấp hơn. Các mã nhóm thép như NKG, HSG vừa có vài phiên giao dịch mạnh mẽ tuần trước, hôm nay đều giảm mạnh với thanh khoản rất cao. Cổ phiếu bất động sản vẫn còn phân hóa vài mã giữ được màu xanh như DIG tăng 0,56%, NVL tăng 1,52% nhưng số giảm sâu cũng rất nhiều.

Trong 101 cổ phiếu sàn HoSE đi ngược dòng, 36 mã vẫn đang tăng trên 1%, nhưng đại đa số thanh khoản quá nhỏ. Các đại diện nổi bật là SCS tăng 5,79% thanh khoản 29,3 tỷ; FTS tăng 5,62% thanh khoản 201,8 tỷ; RDP tăng 4,25% thanh khoản 10,1 tỷ; GIL tăng 3,94% với 55 tỷ; DHC tăng 3,93% với 26,1 tỷ; SIP tăng 2,51% với 33 tỷ; VCI tăng 2,02% với 474,3 tỷ; MSH tăng 1,56% với 12,8 tỷ; CTS tăng 1,54% với 112 tỷ.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay giao dịch cân bằng, mức mua ròng nhẹ 24,4 tỷ đồng trên HoSE và tổng mua cả ngày là 121,4 tỷ. Các mã vẫn được mua tốt là SSI +194,9 tỷ, HPG +113,2 tỷ, AAA +94,9 tỷ, VIX +79,5 tỷ, HSG +57,4 tỷ, VCI +56,3 tỷ, VPB +43,5 tỷ, VCB +43,4 tỷ, FTS +40,4 tỷ. Phía bán ròng có VRE -184,5 tỷ, VNM -93,4 tỷ, VND -69,9 tỷ, VCB -49,7 tỷ, VIC -37,5 tỷ, GEX -22,5 tỷ, GMD -22,4 tỷ, HAG -20,8 tỷ…

Việc các cổ phiếu ngân hàng quay đầu giảm mạnh làm ảnh hưởng lớn đến toàn thị trường là điều không bất ngờ. Hai tuần qua nhóm này đã giảm động lực giá rõ rệt cộng với thanh khoản suy yếu. Tuy nhiên việc quay đầu giảm đồng loạt chưa xảy ra và biên độ cũng nhẹ. Hôm nay là một ngày phản ứng rất xấu, khiến cơ hội cho VN-Index vượt qua đỉnh cao tuần trước trở nên xa vời.

Xem thêm tại vneconomy.vn