VN-Index thường tăng trong các tháng 2, xác suất trên 65%
Theo nhóm phân tích của Chứng khoán BSC, P/E VN-Index dự báo vận động trong vùng 14 - 14,25 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.200 điểm.
Tiếp nối đà tăng điểm trong tháng cuối năm 2023, VN-Index tiếp tục tăng 34 điểm (+3,04%) trong tháng 1/2024 với lực kéo ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, đóng cửa tại mức 1.164 điểm. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp thị trường chứng khoán đóng cửa tháng cuối cùng trong sắc xanh.
Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán các tháng sau Tết (tháng 2), thị trường thường tăng trong các tháng 2 với 15 tháng tăng - mạnh nhất là mức tăng 21,59% năm 2004 và 25,08% năm 2006.
Ở chiều ngược lại, thị trường chỉ ghi nhận 8 năm giảm điểm với mức giảm mạnh nhất 21,42% năm 2008 và 18,95% năm 2009. Tháng 2/2023 vừa qua, thị trường ghi nhận mức giảm 7,78% từ 1.111 điểm về dưới mốc 1.025 điểm.
Báo cáo kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán mới cập nhật của Chứng khoán BIDV (BSC) chỉ ra đà tăng ấn tượng của nhóm ngân hàng từ cuối 12/2023 giúp VN-Index vượt qua diễn biến giằng co và bước vào nhịp tăng điểm tốt hướng đến ngưỡng 1.200 điểm khi kết năm 2023 Âm lịch.
Theo BSC, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc tới Việt Nam cùng quyết định quan trọng của Quốc hội khi thông qua 2 dự án Luật sửa đổi quan trọng (đất đai, tổ chức tín dụng) được kỳ vọng sẽ tạo đột phát trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý IV/2023 của các doanh nghiệp sẽ phản ánh cụ thể về tình hình của từng đơn vị và sự phân hóa của các cổ phiếu sẽ rõ nét hơn.
>> VN-Index tăng 10 điểm, chờ tái ngộ mốc 1.200 trong phiên đầu năm mới
Diễn biến VN-Index và một số sự kiện trọng yếu (Nguồn BSC) |
Trong tháng 1, thanh khoản trung bình trên toàn thị trường đạt 18.751 tỷ đồng/phiên - giảm 23% so với giá trị trung bình của quý III/2023 và giảm 7,5% so với trung bình quý IV. Điều này cho thấy tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch khiến thanh khoản tiếp tục suy yếu song tốc độ giảm đang chậm lại.
So sánh với trung bình quý II năm ngoái (giai đoạn chỉ số tăng điểm tốt), thanh khoản tháng 1 tăng 17,65% - cho thấy dòng tiền đã tích cực trở lại. Vốn hóa toàn thị trường đến cuối tháng 1 đạt 6,03 triệu tỷ đồng - tăng 2,5% so với cuối năm 2023.
Về giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước đã đảo chiều bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trong tháng 1. Trong khi đó, giá trị mua của tổ chức trong nước giảm 80% so với tháng trước đồng thời khối ngoại cũng trở lại mua ròng nhẹ sau giai đoạn bán ròng miệt mài trước đó.
P/E của VN-Index đến hết phiên 31/1 ở mức 13,85 lần - chiết khấu 12,81% so với P/E trung bình 5 năm; P/B tháng 1 ở mức 1,75 lần. Vùng định giá được chiết khấu như hiện tại là hoàn toàn hấp dẫn đối với vị thế giải ngân dài hạn.
Trong tháng 2, P/E của thị trường được dự báo vận động trong vùng 14 - 14,25 trong kịch bản tích cực khi VN-Index quay trở lại vùng 1.200 điểm.
>> CEO Mirae Asset: ‘Cơn gió ngược’ từ Fed có thể kéo khối ngoại trở lại Việt Nam năm 2024
Xem thêm tại nguoiquansat.vn