VN-Index tiếp tục bị 'thổi bay' 38 điểm, mất mốc 1.100

Kết phiên, VN-Index giảm 38,49 điểm (3,4%) xuống 1.094,3 điểm, HNX-Index giảm 8,47 điểm (4,21%) về 192,58 điểm, UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (0,1%) về 84,41 điểm.

Áp lực bán đã nhanh chóng trở lại phiên chiều, kéo lùi các chỉ số về vùng giá đỏ. VN-Index hồi phục bất thành, kết phiên không giữ được mốc 1.100 điểm.

Số mã giảm tiếp tục tăng trong phiên chiều nay. Tổng cộng thị trường có 699 mã đỏ, trong đó 219 có cổ phiếu giảm hết biên độ. Sắc xanh yếu thế với 306 mã, trong khi có 154 mã đứng giá tham chiếu.

VN30-Index giảm 28,83 điểm (2,41%) về 1.168,68 điểm, với 8 mã giảm sàn trên tổng số 23 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ. Các cổ phiếu giảm sàn có SSI, BCM, BVH, MSN, PLX, GAS, GVR, HPG.

 Kết qua giao dịch khớp lệnh phiên 9/4 của VN30. (Nguồn: SSI).

Cổ phiếu “họ Vin” cũng thu hẹp sắc xanh, VIC chỉ còn tăng 3,4% lên 57.000 đồng/cp, VHM và VRE tăng 3,2% và 2,9%. Ngoài ra, một số bluechip ghi nhận nỗ lực phục hồi như SAB (+3,5%), SSB (+1,6%), LPB (+1%), FPT (+0,2%)…

Là nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường, cổ phiếu ngân hàng vẫn là tác nhân chính gây áp lực lên chỉ số. Riêng nhóm này lấy đi gần 16 điểm của VN-Index. Đóng cửa, EIB và EVF vẫn chưa thoát cảnh nằm sàn, cùng với BID, BVB, STB, HDB, VCB, CTG, PGB, VAB, NVB giảm 3,1 – 8,9%.

Chiều ngược lại, sắc xanh trở lại với SGB (+7,8%), SSB (+1,6%), BAB (+1%), LPB (+1%), NAB (+1%), OCB (+0,4%)…

Hiện tượng giảm sàn diễn ra trên diện rộng với nhiều nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, thép, dầu khí, dệt may. Nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục mất thanh khoản với khối lượng bán tại mức giá sàn hàng triệu đơn vị như VGC, GVR, HPX, KBC, HDC, DIG, NLG, PDR, TCH…

Thanh khoản thị trường tăng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 34.700 tỷ đồng, tương đương gần 1,79 tỷ cổ phiếu được mua – bán trong phiên hôm nay.

Tính riêng trên HOSE, thanh khoản đạt 32.402 tỷ đồng, tăng 28% so với phiên trước. Liên quan đến giao dịch nhóm NĐT nước ngoài, họ có phiên mua ròng đầu tiên trên toàn thị trường sau 15 phiên xả liên tục. Trong đó, họ gom ròng 225 tỷ đồng trên HOSE với tâm điểm rót vốn là MWG (398 tỷ đồng), FPT (252 tỷ đồng), TCB (145 tỷ đồng)…

Kết phiên sáng 9/4, VN-Index giảm 32,48 điểm (2,87%) xuống 1.100,31 điểm, HNX-Index giảm 6,86 điểm (3,41%) về 194,18 điểm, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (0,95%) còn 84,46 điểm.

Mặc dù xuất hiện một số mã cổ phiếu thoát giá sàn hoặc bật tăng trở lại vào giữa phiên sáng, bức tranh chung của thị trường vẫn phản ánh áp lực cung ở hầu hết các nhóm ngành. Điều này phần nào cho thấy tâm lý thận trọng từ phía nhà đầu tư.

Về cuối phiên sáng, cầu yếu trong khi cung thường trực khiến sắc đỏ tiếp tục nới rộng. Dù vậy, VN-Index tạm thời vẫn giữ được mốc 1.100 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận 671 mã giảm, trong đó có 173 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 232 mã tăng và 159 mã đứng giá tham chiếu.

Một số cổ phiếu thuộc nhóm Vingroup đã đóng vai trò đầu tàu kéo chỉ số chính tăng trở lại, trở thành điểm nhấn nổi bật nhờ sự phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.

Cụ thể, cổ phiếu VIC dừng phiên sáng tăng 4,2%, trong khi VRE và VHM cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 2,9% và 2,4%.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng chứng kiến một vài mã tăng trở lại như BAB (+4%), SGB (+2,6%), NAB (+0,3%), TPB, VBB đi ngang.

Nỗ lực bắt đáy giữa phiên đẩy thanh khoản tăng nhanh. Tính trong cả phiên sáng, giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 20.529 tỷ đồng, tăng 5,7% so với phiên trước. Toàn thị trường ghi nhận 1,15 tỷ cổ phiếu được mua bán, tương đương hơn 21.970 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm mạnh do lo ngại về chính sách thuế quan, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, đã có phát biểu đáng chú ý trên trang Facebook cá nhân. Ông nhận định: “Thuế quan đúng là có ảnh hưởng tiêu cực, nhưng thị trường phản ứng thái quá. Đây là thời điểm phù hợp để bắt đáy!”.

Tính đến 10h50, VN-Index giảm 23,54 điểm (2,08%) xuống 1.109,25 điểm, VN30-Index giảm 17,62 điểm (1,47%) còn 1.179,89 điểm.

Xu hướng hồi phục đồng thuận vào giữa phiên sáng, có thời điểm VN-Index xanh nhẹ trên tham chiếu, VN30-Index thậm chí lấy lại mốc 1.200 điểm.

Tuy nhiên, lực bán thường trực ngay lập tức đẩy các chỉ số về lại vùng giá đỏ.

Tại nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu “họ Vin” tiếp tục là những đầu tàu dẫn dắt, VIC tăng 5,1% lên 57.900 đồng/cp, chỉ riêng mã này đã góp 2,6 điểm cho VN-Index.

VRE và VHM tăng lần lượt 2,9% và 2,3.% lên 18.000 đồng/cp và 48.100 đồng/cp.

Ngoài ra, SAB tăng 2,3% lên 43.600 đồng/cp, FPT, TPB xanh nhẹ 0,2%.

Tính đến 9h40, VN-Index giảm 27,29 điểm (2,41%) xuống 1.105,5 điểm, HNX-Index giảm 8,5 điểm (4,23%) còn 192,55 điểm, UPCoM-Index giảm 0,98 điểm (1,16%) về 83,52 điểm.

Đà bán tháo chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mở cửa phiên sáng 9/4, VN-Index tiếp tục rơi 53 điểm. Sau khoảng 40 phút giao dịch, sắc đỏ có phần thu hẹp nhưng lực bán vẫn áp đảo, VN-Index hiện còn giảm hơn 27 điểm.

Hàng trăm cổ phiếu giảm sàn trên bảng điện, trong đó HOSE ghi nhận 150 mã, sàn HNX và UPCoM ghi nhận 36 và 24 mã.

Nhóm VN30 vẫn diễn biến tiêu cực với 26/30 mã giảm. Tuy nhiên, hiện chỉ còn BCM, GVR và HPG giảm sàn. Cổ phiếu "họ Vin" là những mã hồi phục đầu tiên, bộ đôi VIC và VHM xanh 3,6% và 1,2%, theo sau là VRE đứng giá tham chiếu. Cổ phiếu của ông lớn ngành bia cũng xanh nhẹ 0,4%.

Nhóm thép tiếp tục chứng kiến HSG, NKG, SMC, HPG, TLH, VGS giảm sàn, trắng bên mua, HMC, KVC, PAS, TVN giảm 6,4 - 11,5%. Cổ phiếu dệt may cũng chung cảnh ngộ khi không có cầu vào, GIL, STK, TCM, MSH, TNG giảm hết biên độ, duy nhất EVE có tín hiệu hồi phục xanh nhẹ 0,4%.

Tại thị trường Mỹ, các chỉ số chính tiếp tục đi xuống trước thời điểm Mỹ triển khai thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại.

Trong phiên giao dịch ngày 8/4 (giờ Mỹ), chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 320 điểm, tương đương 0,84% và đóng cửa với 37.646 điểm. Trong 4 phiên vừa qua, Dow Jones đã bốc hơi hơn 4.500 điểm do lo ngại về thuế quan. Tuy nhiên, vào đầu phiên giao dịch, có lúc Dow Jones từng tăng đến 3,9%.

Tương tự, S&P 500 giảm 1,57% và chốt phiên với 4.983 điểm, thấp hơn gần 19% so với đỉnh ghi nhận hồi tháng 2. Ngoài ra, đây cũng là phiên giao dịch đầu tiên mà S&P 500 rớt xuống dưới mốc 5.000 điểm kể từ tháng 4/2024. Trong 4 phiên liên tiếp, S&P 500 đã giảm hơn 12%.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite mất 2,15%, đóng cửa ở mức 15.268 điểm. Chỉ số này từng tăng tới 4,5% vào đầu phiên, nhưng không thể duy trì động lực. Trong đợt bán tháo kéo dài 4 ngày qua, Nasdaq Composite đã mất hơn 13%. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn