VN-Index tiếp tục ghi điểm, thanh khoản giảm mạnh ở nhóm ngân hàng
4 trong 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường suy yếu khiến VN-Index sáng nay không thể giữ được mức tăng tốt nhất, nhưng giao dịch vẫn khá tích cực những ngày cận Tết. Thanh khoản sụt giảm nhẹ chủ yếu do cổ phiếu ngân hàng và nhóm này cũng hạ nhiệt giá đáng kể.
VN-Index kết phiên sáng tăng 2,79 điểm tương đương +0,24% trong khi đỉnh tăng ngay đầu phiên khoảng +4,9 điểm (+0,41%). Nhiều cổ phiếu trụ đã không giữ được giá cao, nhất là nhóm ngân hàng, là nguyên nhân khiến thị trường duy trì trạng thái lình xình kéo dài.
Cả rổ cổ phiếu ngân hàng ở các sàn đến hết phiên sáng chỉ còn 15/27 mã tăng, trong đó 7 mã tăng hơn 1%. Các blue-chips yếu, duy chỉ còn VIB tăng 1,65%, 1,32%, CTG tăng 1,18% và TCB tăng 1,13% là đáng kể. Ngay cả các mã này cũng đã tụt ít nhiều so với đỉnh đầu phiên, chẳng hạn VIB phải trả lại tới gần 1,6% mức tăng, TCB tụt 0,83%. VCB, BID tụt khá sâu: VCB lúc cao nhất tăng 0,67% so với tham chiếu nhưng sau rơi tới 1,32% so với đỉnh này và chốt dưới tham chiếu 0,67%. BID cũng tụt khoảng 0,62% với với đỉnh và chốt giảm 0,31%.
VCB và BID là hai cổ phiếu lớn nhất thị trường, cùng với VHM giảm 0,12%, VIC giảm 0,47% là 4 trong 5 mã vốn hóa hàng đầu. Mở rộng ra Top 10 vốn hóa, có thêm VNM giảm 0,59%. Số tăng thì GAS, HPG, VPB, FPT cũng suy yếu đáng kể theo thời gian. Sức kéo giảm đi đáng kể trong nhóm trụ là lý do VN-Index khá đuối. Nhóm ngân hàng sàn HoSE sáng nay đã không còn duy trì được thanh khoản ấn tượng nữa, tổng giá trị khớp lệnh nhóm này giảm tới 32% so với sáng hôm qua.
Dù vậy thị trường cũng không xấu, trọn phiên sáng nay độ rộng áp đảo ở phía tăng giá. Ngay cả lúc quanh 10h30 khi VN-Index yếu nhất chỉ còn tăng chưa tới 1 điểm so với tham chiếu, độ rộng cũng vẫn là 228 mã tăng/159 mã giảm. Đến cuối phiên sáng sàn HoSE có 240 mã tăng/175 mã giảm, trong đó 67 mã tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm 37,7% tổng khớp sàn HoSE.
Cổ phiếu ngân hàng không còn là nhóm dẫn đầu về cả mức tăng lẫn thanh khoản nữa. NVL hôm nay dẫn đầu nhóm tăng trên 1% với thanh khoản cao nhất 281,5 tỷ đồng, giá tăng 1,47%. Tiếp đến là VIX với 264,8 tỷ đồng giá tăng 1,97%, DGC với 176,5 tỷ giá tăng 2,97%, DBC với 163,7 tỷ giá tăng 1,33%, VCI với 154,1 tỷ giá tăng 2,16%. Nhóm thanh khoản thấp hơn có biên độ tăng giá rất tốt, đơn cử như FRT tăng3,68%, SZC tăng 2,87%, ORS tăng 2,84%, HTV tăng 2,11%, HCM tăng 2,04%...
Nhóm blue-chips vốn hóa lớn nhất thị trường hiện không đủ mạnh sau khi cổ phiếu ngân hàng “nguội” đi và lẽ tất nhiên VN-Index trở lại trạng thái lình xình giống như trước phiên hôm qua. Về cơ bản nhịp rướn mạnh hiện tại vẫn chỉ do nhóm ngân hàng kích hoạt, chứ không phải có sự lan tỏa rộng trong nhóm trụ. Chưa kể như VIC, VHM vẫn đỏ, các mã HPG, GAS, VNM không có gì bất ngờ. Khả năng khó đổi trụ vẫn chưa được giải quyết.
Tuy vậy đây vẫn đang là bối cảnh thuận lợi cho các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá. Độ rộng xác nhận cơ hội có lợi nhuận vẫn mở rộng nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Thực tế các mã thanh khoản dưới 100 tỷ đồng vẫn đang tăng mạnh, cũng như phân bổ dòng tiền vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm tăng giá. Thống kê tại HoSE, xấp xỉ 70% tổng giá trị khớp lệnh vẫn nằm ở nhóm tăng giá, chỉ gần 21% tập trung ở nhóm giảm giá.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay tăng cường độ bán ra, xả 966,3 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE, mức cao nhất trong vòng 8 tuần. Phía mua cũng tăng, nhưng không kịp với bên bán nên vị thế ròng là -210,1 tỷ đồng, cao nhất trong 8 phiên sáng gần đây. Đây cũng là phiên sáng bán ròng thứ 3 liên tiếp của khối này. Các mã bị xả nhiều là HPG -41,1 tỷ, VCB -40,2 tỷ, GEX -39,6 tỷ, MWG -33,9 tỷ, VHM -30,8 tỷ, VNM -28 tỷ, TPB -24,5 tỷ. Phía mua ròng có VIX +40,4 tỷ, FRT +24,6 tỷ, HCM +22,9 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn