VN-Index với kỳ vọng 1.300 điểm trong tháng cuối năm
Tuần giao dịch 25-29/11, VN-Index đã phục hồi khá mạnh khi đóng cửa ở mức 1.250 điểm, tăng 22,36 điểm (+1,82%) so với tuần trước đó. Dù thanh khoản chưa thật sự phục hồi nhưng điểm sáng lan tỏa thị trường là dòng tiền khối ngoại đã đảo chiều mua ròng trở lại hơn 1.100 tỷ đồng.
Nhiều động lực cho thị trường
Giới phân tích nhận định đà hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi những thông tin vĩ mô tích cực trong nước và quốc tế.
Đó là việc áp lực tỷ giá phần nào đã hạ nhiệt trong tuần qua. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cũng giảm xuống dưới 5% sau những động thái hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
VN-Index được kỳ vọng lấy lại mốc 1.300 điểm trong tháng 12. |
Bước sang tháng 12, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT kỳ vọng xu hướng chung của thị trường vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỷ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt. Điều này đến từ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 và nguồn cung USD trong nước cải thiện đáng kể dịp cuối năm.
Thông thường, các doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm để phục vụ mua sắm hàng hóa trong nước, trả lương thưởng cho người lao động,… Điều này cùng với giải ngân vốn FDI duy trì xu hướng tích cực và lượng kiều hối chảy về nước dịp cuối năm sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá.
Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể chuyển hướng sang các mục tiêu khác là hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng nhằm tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm nay là 15%. Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu và dòng tiền chảy vào nền kinh tế thực chất sẽ là cú hích lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 12 và đầu năm tới.
Thậm chí, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng VN-Index có thể trở lại mốc 1.300 điểm trong tháng 12. Các yếu tố quyết định về sức mạnh nội tại của nền kinh tế như tăng trưởng tín dụng và tiến độ giải ngân đầu tư công có thể sẽ hỗ trợ về mặt tâm lý khi mà những câu chuyện trái chiều về tỷ giá, khối ngoại, lộ trình cắt giảm lãi suất hay chính sách thuế của ông Trump mang tính khó đoán định hơn.
Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, việc áp lực bán của khối ngoại giảm xuống và mua ròng hỗ trợ về mặt tâm lý cho thị trường.
“Các yếu tố hỗ trợ thị trường giai đoạn tới có thể kể đến như nền kinh tế vĩ mô ổn định, áp lực tỷ giá phần nào được giải tỏa nhờ nguồn cung ngoại tệ thời điểm cuối năm đến từ thặng dư cán cân thương mại, FDI giải ngân và kiều hối đổ về”, chuyên gia Agriseco cho biết.
Về góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán MBS nhận định sau nhịp giảm hơn 100 điểm kể từ đỉnh tháng 10 về vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, thị trường trong nước đã tìm được vùng cân bằng trong tháng 11 và có nhiều kỳ vọng tạo đà cho nhịp phục hồi trong tháng 12.
"Càng về giai đoạn cuối năm, thị trường nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, qua đó giúp chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội để mở rộng đà tăng", MBS nêu rõ.
Lạc quan trong thận trọng
Theo MBS, một số nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn như: Bất động sản, chứng khoán, dầu khí, …. đã được dòng tiền quay lại bắt đáy khi trong nhịp giảm mạnh vừa qua.
Do đó, MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu như: Bất động sản, Bất động sản khu công nghiệp, Logistics, Xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gỗ), Viettel, Thép, Chứng khoán,...
Còn ông Nguyễn Anh Khoa nhấn mạnh trong bối cảnh thị trường tạo đáy ngắn hạn và phục hồi, dòng tiền có thể quay trở lại và lan tỏa ở các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý IV như nhóm Bán lẻ hay các nhóm ngành kỳ vọng hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump như Xuất khẩu (dệt may, thủy sản), nhóm Khu công nghiệp.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm phù hợp cho nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu tốt trong trung và dài hạn với mặt bằng định giá ở mức thấp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra lưu ý về diễn biến hồi phục của VN-Index thể hiện tâm lý nghi ngờ của nhà đầu tư, minh chứng qua việc thanh khoản liên tục thấp hơn mức bình quân 20 phiên.
Thực tế, dù thị trường đang nghiêng về kịch bản tích cực nhưng diễn biến tiêu cực vẫn đang nằm ở chỗ dòng tiền trong nước thờ ơ. Thanh khoản trong tuần qua ghi nhận những phiên có giá trị khớp lệnh thấp nhất trong vài tháng trở lại đây, chỉ xoay quanh mức 10.000 tỷ đồng trên HoSE. Dữ liệu từ các công ty thống kê thị trường cũng cho thấy, tiền gửi của nhà đầu tư trên các tài khoản chứng khoán tiếp tục có xu hướng suy giảm.
Mặc khác, thị trường bất động sản giao dịch sôi động ở phân khúc đất nền và căn hộ nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản - vốn được kỳ vọng chuyển động tích cực để dẫn sóng mới, vẫn im lìm. Nhiều cổ phiếu ghi nhận mức giảm sâu đến rất sâu 30-40% từ đỉnh, cá biệt có cổ phiếu giảm 50% từ đỉnh.
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư có thể khai thác cơ hội ngắn hạn tại một số cổ phiếu có diễn biến dần khởi sắc từ vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua, có thể cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn.
Mặt khác, việc thị trường có khả năng rung lắc ở vùng cản đáng chú ý 1.260 điểm sẽ là cơ hội cho dòng tiền đến sau, cũng như là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục.
“Nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư cho năm tới, ưu tiên các nhóm ngành được kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV như công nghệ, logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng”, ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị.
Còn chuyên gia Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, nên căn bán, chốt lời một phần danh mục đã mua từ mốc 1.208 điểm. Ở thời điểm hiện tại, mức tăng của thị trường là khá, giữ được ngưỡng 1.249 điểm, song chưa được sự xác nhận của thanh khoản, nên việc mua đuổi ở vùng này chưa phải là thời điểm an toàn.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn