VN-Index vượt mốc 1.290 điểm nhờ nỗ lực của” cổ phiếu vua”
Nối dài mạch tăng từ 2 phiên trước, VN-Index bước vào phiên 26/9 trong tâm lý giao dịch khá thoải mái, tăng hơn 7 điểm trong vòng một giờ giao dịch, chạm ngưỡng 1.295 điểm. Tuy nhiên, đà hưng phấn không kéo dài, diễn biến thị trường bắt đầu trở nên giằng co từ cuối phiên sáng do phe mua và phe bán đều “ngang cơ” nhau. VN-Index vì thế lại quay trở về vùng kháng cự 1.290 điểm và cứ thế “dùng dằng” không rõ xu hướng.
Bước sang phiên chiều, lực mua gia tăng giúp thị trường có phần sôi nổi hơn. Các cổ phiếu bluechips chứng tỏ được sức hút của mình khi dòng tiền liên tục chảy vào, đặc biệt là các mã cổ phiếu Ngân hàng. Nhờ vậy, VN-Index tăng liên tục, thẳng tiến đến vùng giá 1.300 điểm.
Có điều, ở phiên ATC, nhịp sôi động của thị trường không còn giữ được, thay vào đó là rung lắc và xuất hiện áp lực chốt lời ở một số nhóm. VN-Index lại quay về gần ngưỡng 1.290 điểm, cụ thể là kết phiên tại 1.291,49 điểm, tăng 4,01 điểm so với phiên trước, tương đương tăng 0,31%.
Độ rộng sàn HOSE nghiêng về chiều đi lên với 208 mã tăng và 178 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 956,8 triệu đơn vị, giá trị 21.803,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,63% về khối lượng và 4,33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 66,97 triệu đơn vị, giá trị 1.676,9 tỷ đồng.
Tâm điểm hôm nay thuộc về các cổ phiếu ngân hàng, với TPB tăng trần; MSB (+5,4%); HDB (+3,9%); OCB (+3%), SSB (+2,1%), SHB (+1,9%); EIB (+2,6%), ABB (+2,6%), VAB (+2,1%); một số mã cổ phiếu lớn như TCB, CTG đều tăng hơn 1%; còn STB, VPB tăng nhẹ… Nhóm này giao dịch sôi động nhất thị trường, ghi nhận khối lượng giao dịch mạnh như: VPB khớp lệnh hơn 55,1 triệu đơn vị, MBB và TCB cùng khớp hơn 26 triệu đơn vị, STB khớp 25,84 triệu đơn vị, CTG khớp 22,83 triệu đơn vị, VIB khớp gần 20 triệu đơn vị.
Ngoài Ngân hàng, hai nhóm Thực phẩm đồ uống và Dầu khí cũng dần được chú ý với BSR (+3,3%), VNM (+1,58%), SAB (+1,22%)…
Các nhóm ngành khác thì diễn biến phân hóa trong biên độ hẹp. Cung chốt lời gia tăng trên vùng điểm số cao ở các nhóm Bán lẻ, Vật liệu xây dựng, Thép – Tôn mạ, Hàng không, Công nghệ thông tin và Phân bón.
Về giao dịch khối ngoại, quy mô mua ròng đã được nâng lên đáng kể, khi giá trị mua ròng lên đến 958 tỷ đồng trong tổng giao dịch gần 4.000 tỷ đồng. TPB được mua ròng mạnh nhất với hơn 126 tỷ đồng. VNM, VHM và HDB cũng được mua ròng hơn 100 tỷ đồng.
Danh sách mua ròng còn có VCI (+86 tỷ đồng); TCB, DXG, MSN, KDH hơn 50 tỷ đồng; SSI 47 tỷ đồng; MWG, CTG, chứng chỉ quỹ FUEVFVND, STB hơn 30 tỷ đồng… Ngược chiều, HPG bị bán ròng mạnh nhất gần 70 tỷ đồng, kế đến là VPB 45 tỷ đồng; POW, SCS, MSB, EIB, NKG… hơn 10 tỷ đồng.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn