VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng", Vietcombank trở lại cán mốc nửa triệu tỷ đồng vốn hoá

Thị trường gặp áp lực điều chỉnh ở phiên hôm qua khi VN-Index tiến vào vùng kháng cự quanh 1.160 điểm. Tâm lý nhà đầu tư phần nào bị ảnh hưởng bởi diễn biến điều chỉnh này. Bước vào phiên giao dịch 10/1, diễn biến giằng co là chủ đạo trước sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu. Chỉ số chính VN-Index biến động hẹp quanh mốc tham chiếu.

Sau khoảng thời gian đầu giằng co, lực cầu dâng cao đã giúp các chỉ số nhanh chóng hồi phục. Trong đó, VN-Index có thời điểm tăng lên hơn 1.166 điểm. Tuy nhiên, sự hưng phấn của thị trường không duy trì quá lâu khi lực bán nhanh chóng xuất hiện và khiến hạ nhiệt tâm lý nhà đầu tư.

Phiên chiều diễn ra theo chiều hướng giằng co, VN-Index có đến 3 lần lùi xuống dưới mốc tham chiếu, tuy nhiên, với nỗ lực của một vài cổ phiếu ngân hàng nên chỉ số này vẫn giữ được sắc xanh. Tâm điểm của nhóm ngân hàng phiên hôm nay là SHB khi tăng 2,6% và có khối lượng khớp lệnh kỷ lục hơn 94,3 triệu cổ phiếu, việc SHB khớp lệnh đột biến cho thấy dòng tiền tập trung rất mạnh vào nhóm ngân hàng.

Bên cạnh SHB, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, VPB, TPB hay ACB đều nằm trong top các mã có tác động tích cực cho VN-Index. VCB tăng 1,9% và đóng góp 2,34 điểm. BID tiếp tục tăng mạnh 2,9% và đóng góp 1,89 điểm. CTG tăng 3,3% và cũng đóng góp 1,32 điểm.

Sau phiên tăng điểm hôm nay, Vietcombank tiếp tục củng cố "ngôi vương" về vốn hoá. Quy mô vốn hoá thị trường chính thức trở lại cán mốc 500.000 tỷ đồng.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, nhóm vận tải biển cũng nhận được sự chú ý trong phiên hôm nay. Trong đó, VOS tăng 3,5%, HAH tăng 1,6%, PVT tăng 1,4%... Diễn biến này có được là nhờ thông tin Giá cước vận chuyển hàng hóa qua Biển Đỏ tăng gần 250%.

Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng hút mạnh dòng tiền đã khiến hàng loạt các nhóm ngành cổ phiếu khác đặc biệt là midcaps và penny có sự điều chỉnh trở lại. Tại nhóm thép, NKG giảm đến 2,1%, HPG giảm 1,3%. HSG bị bán khá mạnh trong phiên nhưng lực đỡ xuất hiện ở những phút cuối đã giúp cổ phiếu này thu hẹp đà giảm chỉ còn 0,9%.

Nhóm bất động sản cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu bị bán mạnh, trong đó, HQC giảm 3,2%, KDH giảm 2,3%, DIG giảm 2,2%, CEO giảm 2,2%, PDR giảm 2,1%, CII giảm 1,9%..

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn không thuộc nhóm ngân hàng cũng có những diễn biến khá tiêu cực. FPT giảm 2% và lấy đi của VN-Index 0,59 điểm. Bên cạnh đó, HPG cũng lấy đi của chỉ số này 0,5 điểm. Các mã như VHM, VNM, VIC hay SAB cũng đều chìm trong sắc đỏ.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ cho thị trường

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,95 điểm (0,25%) lên 1.161,54 điểm. Toàn sàn có 195 mã tăng, 309 mã giảm và 69 mã đứng giá. Trong khi đó, khi thiếu vắng lực đỡ từ nhóm trụ cột nên cả HNX-Index và UPCoM-Index đều kết phiên trong sắc đỏ. HNX-Index giảm 1,09 điểm (-1,47%) xuống 231,41 điểm. Toàn sàn có 55 mã tăng, 103 mã giảm và 64 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,66%) xuống 87,15 điểm.

Thanh khoản duy trì ở mức khá tốt, tổng khối lượng giao dịch riêng sàn HoSE đạt gần 993 triệu cổ phiếu trị giá 20.756 tỷ đồng, tăng 12,54% so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1.250 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 102,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.114 tỷ đồng.

SHB cũng là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Tiếp sau đó, HPG khớp lệnh 32,6 triệu cổ phiếu. VPB và VND đứng sau với khối lượng khớp lệnh lần lượt 31,6 triệu cổ phiếu và 28,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp trên HoSE với giá trị 217 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND với 112 tỷ đồng. DGC và VNM bị bán ròng lần lượt 56 tỷ đồng và 51 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VCB được mua ròng mạnh nhất với 71 tỷ đồng. CTG đứng sau với giá trị mua ròng 64 tỷ đồng. STB và MWG đều được mua ròng trên 40 tỷ đồng.

Xem thêm tại baodautu.vn