VNE giải trình gì khi kiểm toán nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động?

Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam (mã VNE-HOSE) công bố giải trình vấn đề cần nhấn mạnh của kiểm toán độc lập trên BCTC tổng hợp và hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể: trên Báo cáo tài chính tổng hợp đã được soát xét, bên kiểm toán nhấn mạnh trong kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty giảm giảm 49,78% so với năm trước; Lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 56.379.045.499 đồng.

Trong kỳ kế toán kết thúc cùng ngày, Tổng Công ty có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 6.243.326.499 đồng. Khả năng tiếp tục hoạt động của Tổng Công ty phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty.

Đối với vấn đề cần nhấn mạnh này, VNECO cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của VNECO chịu sự tác động rất lớn từ những rủi ro bất khả kháng sau:

Một là, dịch bệnh Covid nghiêm trọng và kéo dài từ năm 2020-2022 dẫn tới hoạt động thi công ngưng trệ. Việc kéo dài thời gian thi công làm tăng chi phí quản lý công trình, lãi vay vốn lưu động và biến động giá tăng của vật tư đầu vào và lạm phát tác động tới chi phí nhân công trong khi giá đấu thầu công trình với các chủ đầu tư là giá cố định dẫn tới các công trình sau gian thi công tới giai đoạn quyết toán giảm lợi nhuận hoặc lỗ.

Hai là, năm 2022-2023 các Ngân hàng siết chặt room tín dụng từ giữa năm nên việc hỗ trợ vốn cho hoạt động thường xuyên của Công ty thay đổi từ việc tài trợ vốn để thi công trước khi có khối lượng thay đổi thành tài trợ khi có khối lượng hoàn thành làm cho nhu cầu vốn lưu động cao hơn, thời gian kéo dài hơn, lãi vay tăng cao làm giảm lợi nhuận dòng tiền quay về để tăng trưởng hoạt động kinh doanh kéo theo doanh thu giảm và cơ hội tăng trưởng việc mới giảm.

Ba là, sự chồng chéo trong các Quy định pháp luật và thiếu cơ sở pháp lý trong thủ tục đầu tư đã tác động trực tiếp tới Dự án Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong do VNECO sở hữu 100% vốn đồng thời là nhà thầu EPC thi công hoàn tất 08 Tuabin từ năm 2021 nhưng đủ diều kiện vận hành thương mại được 05 Tuabin trước 31/10/2021 để được hưởng giá fix ưu đãi trong 20 năm, 03 Tuabin còn lại mặc dù hoàn thành lắp dựng nhưng không kịp kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật tại cột mốc 31/10/2021 và hoàn toàn sẵn sàng đủ tiêu chuẩn liền sau đó nhưng tới thời điểm báo cáo hiện tại vẫn chưa được bán được do những lý do vượt ngoài sự kiểm soát của Công ty.

Cụ thể: do dự án được cấp phép đầu tư lần đầu ngày 14/5/2009 phù hợp Quy hoạch điện, trước thời điểm Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 của Thủ Tướng Chính Phủ về Quy hoạch Dự trữ khoáng sản Quốc gia, nhưng các bộ ban ngành có liên quan không ký các thủ tục cần thiết để dự án hoàn tất thủ tục đầu tư liên quan tới đất phục vụ dự án cho mãi đến khi Thủ Tướng ban hành quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 01/11/2023 thì mới xác định ranh dự án không nằm trong khu vực dự trữ Titan.

Tuy nhiên tới thời điểm báo cáo vẫn chưa được thuê đất để hoàn tất thủ tục COD 3 Tuabin đã bỏ chi phí đầu tư thu hồi lại dòng tiền và các Ngân hàng ngưng giải ngân vốn dài hạn cho vay dự án để thanh toán nhà thầu.

Sau khi Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/09/2018 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các Dự án điện gió tại Việt Nam hết hạn vào ngày 01/01/2021 thì mãi tới ngày 07/01/2023 Bộ Công Thương mới ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, song đến thời điểm báo cáo vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn để áp dụng dẫn tới gặp trở ngại trong dàm phán giá điện bán cho EVN.

Liên quan đến vấn đề cần nhấn mạnh trên Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ kết thúc ngày 30/6/2024, doanh thu bán hàng và cung cắp dịch vụ của Tổng VNE giảm 34,40% so với năm trước; Kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của Tổng công ty lỗ 70.901.832.154 đồng - trong đó khoản lỗ phân bổ cho Công ty mẹ là 67.579.159.053 đồng. Trong kỳ kế toán kết thúc cùng ngày, Tổng Công ty có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 28.821.856.742 VND.

Khả năng tiếp tục hoạt động của Tổng Công ty phụ thuộc vào khả năng thu hồi các khoản phải thu, gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các nhà cung cấp và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong tương lai. Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty.

Đối với vấn đề cần nhấn mạnh này, VNECO cho biết trong thời gian qua Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để tháo gỡ dần những điểm còn thiếu hụt về pháp lý dự án để hoàn thiện dự án tăng nguồn thu và đồng thời tập trung cơ cấu tái cấu trúc lại các tài sản không sinh lợi hoặc chậm luân chuyển tăng tính thanh khoản cho Tổng Công ty.

Hiện nay, việc triển khai cơ cấu các Bất động sản chậm và gặp trở ngại khi tiếp cận nhà đầu tư vì từ 01/8/2024 Luật đất đai mới có hiệu lực nhưng bảng giá đất mới chưa được ban hành ảnh hưởng tới việc thực hiện giao dịch tính thuế chuyển nhượng Bất động sản, cho thuê.

Hiện, HOSE giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu VNE theo Quyết định số 222/QĐ-SGDHCM ngày 17/04/2024 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024, cổ phiếu chưa đáp ứng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu VNE đồng thời được theo dõi ở các diện sau:

- Kiểm soát theo Quyết định số 168/QĐ-SGDHCM ngày 04/04/2024 do tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 02 năm liên tiếp.

- Cảnh báo theo Quyết định số 354/QĐ-SGDHCM ngày 03/07/2024 do tổ chức niêm yết chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Xem thêm tại vneconomy.vn