VNM chốt danh sách cổ đông trả 5.145 tỷ đồng cổ tức

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM-HOSE) vừa thông báo chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 24,5% (1 cổ phiếu nhận về 2.450 đồng).

Trong đó, công ty sẽ trả cổ tức đợt cuối năm 2023 với tỷ lệ 9,5% và tạm ứng chi trả đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 15%. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/9 và dự kiến thanh toán cho cổ đông vào ngày 24/10.

Như vậy, với gần 2,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk dự kiến sẽ bỏ ra 5.145 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này.

Về kết quả kinh doanh, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất quý 2/2024 đạt 16.665 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ (15.195 tỷ); Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất đạt 30.790 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ (29.113 tỷ) và hoàn thành 48,7% kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2/2024 đạt 2.695 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ (2.229 tỷ). Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.903 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ (4.135 tỷ) và hoàn thành 52,3% kế hoạch năm. EPS đạt 2.082 đồng/cp.

Theo giải trình từ VNM, doanh thu và lợi nhuận quý 2/2024 tăng so với cùng kỳ là do công ty thay đổi tỷ trọng và cơ cấu các nhóm sản phẩm bán ra, đồng thời công ty tiếp tục kiểm soát tốt chi phí đầu vào.

Qua đó, VCBS đã có đánh giá "mua" đối với cổ phiếu VNM với giá mục tiêu 83.831 đồng/cp, tương đương với P/E mục tiêu đạt 16,8x dựa trên triển vọng tích cực của giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn được duy trì trong năm tới.

Theo VCBS, trong nửa cuối năm, VNM sẽ hoàn thiện nhận diện mới cho các sản phẩm còn lại trong danh mục. Bên cạnh đó, VNM cũng vừa ra mắt 3 dòng sản phẩm cải tiến trong quý 2/2024 bao gồm sữa đặc Ông Thọ 1 lít với nắp nhựa và sữa thực vật giàu protein nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo VCBS, doanh nghiệp dự kiến sẽ nghiên cứu thêm các thức uống giàu protein để mở rộng thêm tập khách hàng trong độ tuổi vị thành niên và trung niên. VCBS dự báo, tăng trưởng doanh thu nội địa và xuất khẩu của VNM đạt lần lượt là 52.541 tỷ (tăng 3,8% so với cùng kỳ) và 10.727 tỷ (tăng 10% so với cùng kỳ) trong năm 2024. Biên lợi nhuận gộp của 2 thị trường này dự phóng sẽ tăng lần lượt là 3,6% và 7,2% so với cùng kỳ.

Cũng theo VCBS rủi ro nguồn nguyên liệu đầu vào là sữa bột của VNM chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nên giá sữa nguyên liệu thế giới biến động lớn hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng trọng yếu đến biên lợi nhuận gộp của VNM.

Rủi ro kinh tế đối với VNM là doanh nghiệp đầu ngành sữa tại Việt Nam, diễn biến tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng đến lượng sản phẩm tiêu thụ của VNM.

Chốt phiên ngày 22/8, giá cổ phiếu VNM giảm gần 1,5% về 74.200 đồng/cp và giá cổ phiếu này tăng hơn 12% trong hơn nửa tháng qua.

Xem thêm tại vneconomy.vn