Với vốn hóa 6 tỷ USD, Masan Consumer có thể là khẩu vị của nhóm quỹ nào sau khi niêm yết?

Sở hữu vị thế top đầu ngành hàng tiêu dùng, kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng qua những năm gần đây (năm 2023 đạt kỉ lục doanh thu trên 28.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7.200 tỷ đồng), Masan Consumer (Mã: MCH) không khó để đáp ứng điều kiện niêm yết (hiện giao dịch tại UPCoM).  

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Masan Consumer đã thông một nội dung quan trọng là chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).

Hiện tại, một số thành viên Masan Group (MSN) khác đã niêm yết cổ phiếu gồm CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) hay Bột giặt NET (NET), trong khi quy mô vốn rất nhỏ khi đặt cạnh Masan Consumer.

Với đà tăng giá trong những tháng đầu năm, vốn hóa MCH đã cao hơn cả Masan Group, Vinacafé Biên Hòa, Bột giặt NET, Masan High-Tech Materials (MSR), Masan METLife (MML) cộng chung lại (tính đến 11/6).

Câu hỏi đặt ra là nếu niêm yết thành công, với vốn hóa và vị thế hiện tại, MCH có cơ hội lọt vào những rổ chỉ số chứng khoán quan trọng nào? Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tham chiếu sẽ mua MCH bổ sung cho danh mục.

Cần cải thiện thanh khoản để có cơ hội vào VN30

VN30-Index (hay VN30) là chỉ số hàng đầu của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây được xem là chỉ số đại diện cho các cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn hóa lớn, còn được gọi là cổ phiếu bluechip.

Thành phần VN30-Index bao gồm 30 cổ phiếu được niêm yết tại sàn HOSE, có giá trị vốn hóa thị trường và tính thanh khoản cao nhất. Các cổ phiếu nằm trong danh sách VN30 cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nhất định về: vốn hóa, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tính thanh khoản, thời gian niêm yết.

Thứ nhất là vốn hóa, HOSE sẽ chọn 50 cổ phiếu (tại HOSE) có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng.

Thứ hai là tỷ lệ free-float (chuyển nhượng tự do), những cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do (là những cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường) dưới 5% sẽ bị loại.

Thứ ba là tính thanh khoản, các cổ phiếu còn lại sau bước hai được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu ở thứ hạng đầu tiên sẽ được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).

Về thời gian niêm yết, các cổ phiếu cũ sẽ được ưu tiên, sau đó mới lựa chọn đến các cổ phiếu mới. Điều kiện là phải được niêm yết trên 6 tháng (tuy nhiên chỉ cần niêm yết ba tháng nếu đạt top 5 vốn hóa thị trường).

Về thanh khoản, tạm xét theo giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân quý I, MCH có khối lượng khớp lệnh bình quân chưa đến 70.000 cp. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân khoảng 8,1 tỷ đồng, còn cách xa con số 174 tỷ đồng mỗi phiên của PVD tại vị trí thứ 40 trên sàn HOSE (về thanh khoản).

Trong các tiêu chí, MCH hiện đã thỏa mãn điều kiện tỷ lệ chuyển nhượng tự do và vốn hóa. Tại ngày 11/6, vốn hóa MCH đạt 159.860 tỷ đồng (khoảng 6,4 tỷ USD). Con số này ở giữa vốn hóa VPB (hơn 145.000 tỷ đồng) (thứ 10 sàn HOSE) và VIC (hơn 165.000 tỷ đồng) (thứ 9 sàn HOSE).

Như vậy, Masan Consumer đang nắm lợi thế về vốn hóa. Cổ phiếu MCH cần cải thiện thanh khoản giao dịch cổ phiếu nếu muốn lọt vào VN30 trong kịch bản được niêm yết trên HOSE.

Danh sách VN30 kỳ tháng 1/2024. (Nguồn: HOSE).

Theo quy định, danh sách VN30 sẽ được công bố trên website chính thức của HOSE vào mỗi tháng 1 và tháng 7 hàng năm. Lần công bố tiếp theo của sở sẽ vào tháng 7/2024. VN30 là chỉ số tham chiếu của các quỹ DCVFMVN30, SSIAM VN30 hay KIM Growth VN30... Trong đó, DCVFM VN30 ETF là quỹ có quy mô lớn nhất với giá trị tài sản ròng hơn 7.100 tỷ đồng (tại 10/6).

Tiềm năng gia nhập FTSE ETF và VNM ETF

Tương tự VN30, các rổ chỉ số FTSE Vietnam Index và MarketVectors Vietnam Index cũng đặt các tiêu chí free-float, thanh khoản và vốn hóa khi lựa chọn thành phần danh mục.

Không khắt khe như VN30, FTSE Vietnam Index hay MarketVector Vietnam Local Index không có giới hạn về số lượng nhất định thành phần là bao nhiêu mã. Chỉ cần đủ điều kiện của chỉ số đề ra, một cổ phiếu bất kỳ như MCH hoàn toàn có cơ hội tham gia danh mục (ngược lại cổ phiếu thành phần sẽ bị loại khi không còn đáp ứng). Trong khi đó, VN30 giới hạn chỉ là 30 mã, nên sẽ có những cân nhắc phức tạp hơn khi HOSE quyết định loại mã này/bổ sung mã kia... như đã nêu trên.

Mới đây, FTSE Vietnam Index đã thêm TCH tại kỳ cơ cấu quý II, và không loại bất kỳ mã nào, nâng số lượng thành phần danh mục lên 28 mã. Tại phân tích trước đó, SSI Research cho biết TCH đã đủ điều kiện vào rổ chỉ số, và dự phóng FTSE ETF tham chiếu FTSE Vietnam Index sẽ mua mới khoảng 4,6 triệu cp.

Danh mục quý II của MarketVector Vietnam Local Index sẽ được công bố vào 15/6 (theo giờ Việt Nam). SSI Research dự báo chỉ số sẽ thêm EVF, CTR do hai mã này nằm trong nhóm 85% vốn hóa free-float tích lũy trong số các cổ phiếu đủ điều kiện. Ở chiều ngược lại, dự kiến không có cổ phiếu nào bị loại. Khi đó, danh mục mới chỉ số tham chiếu của VNM ETF sẽ bao gồm 46 cổ phiếu.

Cơ hội tại các quỹ chủ động

Khác với ETF mang tính bị động theo chỉ số tham chiếu, các quỹ chủ động thường chú trọng hơn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, tiềm năng tăng giá cổ phiếu khi lựa chọn danh mục đầu tư, ngay cả khu doanh nghiệp chưa niêm yết.

Ví dụ Pyn Elite Fund vẫn duy trì nắm giữ ACV dù doanh nghiệp này chưa niêm yết (cổ phiếu giao dịch tại UPCoM). ACV chiếm 9% danh mục tháng 5 của Pyn, lớn thứ hai sau STB. Quỹ Phần Lan cho biết đã rót vốn vào ACV với mức giá ưu đãi khi dịch COVID-19 bùng nổ. Năm 2024, Pyn Elite Fund kỳ vọng lưu lượng hàng không sẽ vượt qua mức đỉnh trước dịch nhờ cả lượng khách nội địa và quốc tế.

Quay lại với Masan Consumer, doanh nghiệp có doanh thu hàng đầu ngành hàng tiêu dùng. Theo rà soát danh mục tại cuối tháng 4 của nhiều quỹ đầu tư, tiêu dùng - bán lẻ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng khoảng 20 - 21% danh mục như tại DCDS, DCDE của Dragon Capital, VESAF của VinaCapital hay Lumen Vietnam Fund...

Về mặt triển vọng, tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Trương Công Thắng, Tổng Giám đốc Masan Consumer, cho biết công ty hiện sở hữu 5 thương hiệu có doanh thu 150 - 250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 24/7, đóng góp khoảng 80% tổng doanh thu.

Masan Consumer đã tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần thị trường chung trong giai đoạn 2017 - 2023. Công ty đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng bằng việc tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng.

Báo cáo tài chính của Masan Consumer cho thấy xu hướng kết quả kinh doanh tăng trưởng qua từng năm. Năm 2023, công ty ghi nhận các con số doanh thu và lợi nhuận sau thuế kỉ lục, đạt lần lượt trên 28.200 tỷ đồng và gần 7.200 tỷ đồng. Cổ đông thông qua tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền là 100% (10.000 đồng/cp)

Năm 2024, Masan Consumer kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khi đưa ra kế hoạch doanh thu 31.500 - 24.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7.300 - 7.500 tỷ đồng.

Như vậy, nếu duy trì đà tăng trưởng cùng việc niêm yết HOSE (dự kiến), Masan Consumer có triển vọng tham gia danh mục các quỹ đầu tư chủ động trong thời gian tới.

Masan Consumer tăng trưởng lợi nhuận từ 2017 đến 2023. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Xem thêm tại vietnambiz.vn