Vốn hóa của Apple gấp 10 lần tổng giá trị toàn bộ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam
Theo nguồn tin chính thức, Tim Cook - CEO của Apple hiện đang có mặt tại Việt Nam. Sự nhiệt tình mà ông bày tỏ đối với đất nước và cộng đồng tại Việt Nam cho thấy rằng chuyến thăm này không chỉ là một dấu hiệu của sự mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn là sự cam kết lâu dài của Apple đối với thị trường đầy tiềm năng này.
CEO Tim Cook cũng bày tỏ sự hào hứng về triển vọng kết nối sâu rộng hơn với con người tại đất nước hình chữ S. "Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi vô cùng hào hứng khi được tới đây kết nối với các sinh viên, nhà sáng tạo và khách hàng, hiểu hơn về sự đa dạng trong cách họ sử dụng sản phẩm của chúng tôi để làm nên những điều phi thường", Tim Cook chia sẻ.
Trong tương lai, nếu Apple thực sự có những động thái rõ ràng hơn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư tại Việt Nam, đây sẽ là một cú huých lớn đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp trong nước.
Apple từng là công ty đầu tiên trong lịch sử thế giới vượt ngưỡng 3 tỷ USD vốn hóa. Mặc dù không còn giữ được mức kỷ lục này nhưng nhà sản xuất iPhone vẫn là một trong những công ty lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa lên đến hơn 2.700 tỷ USD, chỉ xếp sau Microsoft.
Để dễ hình dung, giá trị của Apple hiện gấp hơn 10 lần tổng vốn hóa của toàn bộ cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thời điểm hiện tại, tổng vốn hóa của 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM vào khoảng hơn 6 triệu tỷ đồng (~ 250 tỷ USD). Cái tên giá trị nhất sàn là Vietcombank có giá trị khoảng 20 tỷ USD, tương đương 1/135 so với Apple.
Suốt những năm qua, giá trị của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới vẫn liên tục tăng trưởng. Danh sách những công ty lớn nhất thế giới có sự góp mặt của hàng loạt "Bigtech" như Microsoft, Apple, NVIDIA, Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Meta Platform (công ty mẹ của Facebook), TSMC,…
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông như Apple. Số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay và cái tên nổi bật là FPT, Viettel Global (VGI) giá trị vốn hóa khoảng 6 tỷ USD, tức là chỉ bằng khoảng 1/500 so với "gã khổng lồ" đến từ Mỹ. Đây là một trong những lý do khiến chứng khoán Việt Nam thiếu hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Tại Mỹ, cơ cấu của thị trường chứng khoán tương đối lành mạnh, với các nhóm ngành như công nghệ, chăm sóc sức khoẻ, năng lượng,… chiếm tỷ trọng cao. Trong khi đó, chứng khoán Việt Nam lại ghi nhận sự áp đảo hoàn toàn của nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và công ty tài chính), bất động sản với tổng tỷ trọng lên đến hơn 60%.
Sự mất cân đối về mặt cơ cấu khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó thu hút dòng tiền dài hạn, đặc biệt từ khối ngoại. VN-Index nhiều năm vẫn "loanh quanh" vùng 1.200 điểm. Giao dịch chủ yếu tập trung trên một vài nhóm cổ phiếu phổ biến nhưng có tính chu kỳ như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,…
Xem thêm tại cafef.vn