Vốn hoá TTCK ‘bốc hơi’ hơn 500.000 tỷ đồng phiên giảm điểm kỷ lục
Đây là mức giảm điểm mạnh nhất kể từ khi thị trường đi vào hoạt động năm 2000, khiến vốn hóa toàn thị trường "bốc hơi" hơn 500.000 tỷ đồng, xuống còn khoảng 6,8 triệu tỷ đồng.
Trong đó, sàn HOSE mất khoảng 367.400 tỷ đồng, HNX giảm hơn 19.000 tỷ đồng, còn UPCoM mất gần 112.000 tỷ đồng.
Diễn biến thị trường cho thấy sự hoảng loạn lan rộng. Trên sàn HOSE, có đến 517 cổ phiếu giảm giá, trong đó 282 mã giảm sàn, chỉ vỏn vẹn 13 mã tăng giá.
Tương tự, HNX-Index giảm 17,18 điểm (-7,22%) xuống 220,95 điểm; UPCoM-Index mất 8,06 điểm (-8,17%) xuống 90,58 điểm.
Trong rổ VN30 – đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa lớn – có đến 28 mã giảm sàn, trắng bên mua. Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu trụ như VCB, BID, VIC, VHM, TCB, FPT… đều giảm hết biên độ với thanh khoản lên cao.

VN-Index giảm gần 88 điểm phiên 3/4. (Biểu đồ: TradingView).
Nguyên nhân chính dẫn đến cú sốc này đến từ thông tin bất lợi về chính sách thương mại quốc tế.
Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, với lý do nhằm cân bằng lại các rào cản phi thuế quan và hạn chế gian lận thương mại.
Thông tin này ngay lập tức gây tâm lý hoang mang trên diện rộng, đặc biệt với các nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, gỗ, dệt may – tất cả đều giảm sàn trong phiên.
Đây cũng là phiên có thanh khoản cao. Trên HOSE, hơn 1,8 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị gần 39.600 tỷ đồng; toàn thị trường đạt hơn 42.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lực mua yếu khiến hàng trăm mã nằm sàn trong trạng thái trắng bên mua, phản ánh tâm lý nhà đầu tư hoàn toàn mất kiểm soát.
Đồng thời, khối ngoại cũng bán ròng gần 3.700 tỷ đồng, mức cao nhất từng ghi nhận, góp phần làm gia tăng áp lực bán ra.
Trong bức tranh toàn cầu, thị trường Việt Nam giảm sâu hơn so với các nước khu vực. Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 2,77%, Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,24%, FTSE Bursa Malaysia KLCI giảm 0,82%, và chứng khoán Thái Lan mất 1,14%.
Một số thị trường thậm chí vẫn giữ được đà tăng như Lào (+0,74%) và Indonesia (+0,59%). Điều này cho thấy phản ứng của thị trường Việt Nam không chỉ là hệ quả của tình hình chung mà còn đến từ yếu tố nội tại và mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.
Với 15 phiên giảm trên 50 điểm từng xảy ra kể từ năm 2000, phiên ngày 3/4 vẫn nổi bật với quy mô và tác động vượt trội. Nếu tình hình không được cải thiện, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trượt dốc.
Tại phân tích mới đây của VinaCapital, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc cho thấy nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian để đánh giá chính xác tác động của chính sách thuế mới từ Mỹ đối với nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.
Ngay cả những cổ phiếu không chịu ảnh hưởng trực tiếp, như FPT – công ty chuyên về gia công phần mềm, cũng giảm sàn, phản ánh tâm lý thận trọng và sự bất ổn trên thị trường.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND chỉ mất giá chưa đến 1% sau tin tức này và tổng cộng chưa đến 2% từ đầu năm. So với kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và các trường hợp tương tự như Mexico, mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều.
Lịch sử cho thấy đồng nội tệ của các quốc gia bị áp thuế thường mất giá khoảng một nửa so với mức thuế bị áp. Sự ổn định tương đối của tỷ giá phản ánh việc thị trường vẫn chờ đợi thêm thông tin, bao gồm khả năng Mỹ có thể áp dụng các “ngoại lệ” cho một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam.
Về chiến lược đầu tư, nhà quản lý quỹ đang đánh giá lại danh mục đầu tư và tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn. Đợt bán tháo lần này có thể tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chọn lọc những cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc, ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chính sách thuế và đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch tăng đầu tư công từ tháng 2 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với tác động của thuế quan Mỹ, kế hoạch này càng được củng cố, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách kích thích kinh tế trong nước.
Các biện pháp này có thể giúp giảm nhẹ tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam và tạo động lực hỗ trợ thị trường trong dài hạn.
Xem thêm tại vietnambiz.vn