Vốn ngoại đổ vào một doanh nghiệp nội 5 tỷ đô

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Michael Hung Nguyen, Phó tổng giám đốc Masan Group đã có những chia sẻ về hành trình huy động vốn, thu hút các “ông lớn” đầu tư lâu dài vào tập đoàn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán (TTCK) ước đạt 181.345 tỷ đồng, trong đó huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua chào bán cổ phiếu ước đạt 18.966 tỷ đồng; huy động vốn thông qua chào bán trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 5.877 tỷ đồng. Với sự hồi phục của kinh tế trong nước cũng như trên thế giới, nhiều doanh nghiệp đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng qua thị trường chứng khoán.

Có “bề dày” thành tích huy động vốn trong nhiều năm qua với con số lên hàng tỷ đô, vị đại diện của Masan được chương trình đặt câu hỏi: điều gì đã tạo nên sự thành công của Masan trong việc huy động vốn?

“Trong 17 năm qua, Masan đã huy động vốn thành công xấp xỉ 5 tỷ đô. Masan tự hào là các nhà đầu tư như KKR, TPG, SK group đều đầu tư nhiều lần vào Masan và hướng tới sự hợp tác lâu dài.” ông Michael Hung Nguyen, Phó tổng giám đốc Masan Group cho biết.

Vị Phó tổng giám đốc cho rằng để gia tăng cơ hội huy động vốn thành công, doanh nghiệp cần phải có chiến lược rõ ràng khiến nhà đầu tư có thể hiểu và tin được. Ông Michael Hung Nguyen đưa ra dẫn chứng về thương vụ giúp Masan bước chân vào lĩnh vực bán lẻ và gặt hái thành công.

“Cuối năm 2019, Masan bước vào thị trường bán lẻ bằng thương vụ mua VinCommerce (sau đổi tên là WinCommerce). Tại thời điểm đó, EBITDA của WinCommerce là âm 7% và bây giờ chỉ số này đang là dương 4% có nghĩa là thay đổi 11% trong vòng 4 năm sau khi WinCommerce được Masan Group mua lại. Chúng tôi cũng kỳ vọng trong quý 3 này, WinCommerce sẽ đạt lợi nhuận dương.”

Nhằm mang đến giá tốt cho người tiêu dùng, sản phẩm nhãn hàng riêng của WinMart có giá rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.
Nhằm mang đến giá tốt cho người tiêu dùng, sản phẩm nhãn hàng riêng của WinMart có giá rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.

WinCommerce (WCM) sở hữu và vận hành chuỗi WinMart và WinMart+, thuộc Tập đoàn Masan. Đến cuối tháng 6/2024, WinCommerce có gần 3.700 siêu thị, bao phủ 62/63 tỉnh thành, là chuỗi bán lẻ hiện đại đứng đầu về số lượng điểm bán tại Việt Nam. Sau 10 năm hoạt động, WinCommerce ghi nhận doanh thu hàng năm trên mức tỷ USD, tương đương khoảng 26.000-31.000 tỷ đồng.

Trong quý 2/2024, WinCommerce đạt 7.844 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) tăng 11,1% lên 172 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Masan thông báo WinCommerce đã có lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 8/2024, trước đó báo lãi ròng trong tháng 6,7, đánh dấu ba tháng liên tiếp có lợi nhuận. Như vậy, sau 10 năm vận hành, chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã cho "trái ngọt", đánh dấu sự khởi đầu của một lộ trình tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Trong số các nhà đầu tư lớn “rót” tiền vào Masan, mới đây còn xuất hiện một cái tên quen thuộc, quỹ tỷ đô Bill & Melinda Gates Foundation Trust.

Vào ngày 13/9 vừa qua, Masan Consumer (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan, mã ck: MCH) đã công bố biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến về việc chia cổ tức bổ sung năm 2023. Trong danh sách các cổ đông tham gia biểu quyết, đáng chú ý có sự xuất hiện của Bill & Melinda Gates Foundation Trust. Tổ chức này hiện đang nắm hơn 1 triệu cổ phiếu MCH, có giá trị thị trường hiện đạt 212 tỷ đồng.

Việc được các nhà đầu tư uy tín tầm vóc quốc tế rót hàng tỷ đô và cam kết đầu tư lâu dài phản ánh niềm tin mạnh mẽ vào chiến lược, khả năng của Masan. Doanh nghiệp cũng làm “mát lòng” các nhà đầu tư khi liên tục báo cáo những con số lợi nhuận tích cực xuyên suốt mảng kinh doanh cốt lõi tiêu dùng bán lẻ. Hướng về nửa cuối năm 2024, cùng với sự phục hồi của thị trường tiêu dùng và sự thẩm thấu của các giải pháp thúc đẩy kinh tế từ Chính phủ, Masan hứa hẹn sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Xem thêm tại vneconomy.vn