VPB bùng nổ thanh khoản, kéo VN-Index vượt 1300 điểm
Phiên giao dịch hôm nay ngày 12/6, nhà đầu tư phấn khởi trở lại sau những phiên giao dịch “đỏ lửa” trước đó. Thị trường chỉ thực sự sôi động vào cuối phiên chiều khi lực cầu mạnh mẽ tham gia vào. Đặc biệt, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (sàn HoSE - mã:VPB) hút dòng tiền lớn với khối lượng khớp lệnh “kỷ lục” lên đến 69,9 triệu cổ phiếu tương đương 1.308 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch VPB đóng cửa ở mức 19.400 đồng/cổ phiếu tăng 6,01% so với phiên trước. VPBank tăng mạnh, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng và giúp chỉ số VNIndex vượt 1.300 điểm sau 2 năm ròng rã.
Khối lượng khớp lệnh phiên hôm nay cao thứ 3 lịch sử của cổ phiếu VPB, xếp sau khối lượng khớp lệnh phiên giao dịch ngày 10/6/2021 với 76,53 triệu cổ phiếu và phiên giao dịch ngày 4/6/2021 với 76,58 triệu cổ phiếu.
Phiên hôm nay, tính riêng giao dịch khớp lệnh VPB được tổ chức trong nước mua ròng 181,5 tỷ đồng. Ngược lại là đà bán ròng các nhóm còn lại như nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 145,8 tỷ đồng, tự doanh bán ròng VPB 6,7 tỷ đồng và nước ngoài bán ròng 28,9 tỷ đồng.
Từ đầu năm tới nay, VPB tăng 6,42% cho thấy dư địa tăng của cổ phiếu VPB còn lớn, tiềm năng tăng giá cao trong khi các cổ phiếu nhóm ngân hàng tăng từ 20-50%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KB Securities Vietnam (KBSV) khuyến nghị mua VPB với giá mục tiêu là 26.000 đồng/cổ phiếu.
Theo KBSV, tại ĐHCĐ thường niên 2024, VPB đặt kế hoạch kết quả kinh doanh 2024 khá tham vọng với tăng trưởng tín dụng 25% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất nhỏ hơn 5%, lợi nhuận trước thuế đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114,4% so với năm ngoái. Ngoài ra, VPB sẽ chi trả cổ tức tiền mặt 10% với thời gian thực hiện trong quý II hoặc quý III năm 2024.
KBSV kỳ vọng VPB sẽ đạt 51.848 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt được 14.269 tỷ đồng. KBSV nhận định, với động lực từ chi phí đầu vào (COF), tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của VPB sẽ có xu hướng cải thiện trong năm 2024 tuy nhiên sẽ không thể về lại nền cao của giai đoạn 2020-2022 do: (1) Chất lượng tài sản kém hơn gây ảnh hưởng đến thu nhập lãi; (2) Giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn đang ở mức yếu.
KBSV cho rằng P/B dự phóng của VPB năm 2024 ở mức 1,05x tương đương độ lệch chuẩn -1 của trung bình P/B trong 5 năm của VPB phản ánh lo ngại về triển vọng không rõ ràng của nền kinh tế ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của VPB trong năm 2024.
Kết hợp với sử dụng thêm phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư để phản ánh rủi ro hệ thống và kỳ vọng dài hạn. KBSV định giá hợp lý cuối cùng cho cổ phiếu VPB cho năm 2024 là 26.000 đồng/cổ phiếu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn