Vụ án FLC Trịnh Văn Quyết: Công an kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm của 13 nhân viên ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân
Theo Cơ quan điều tra, có đủ căn cứ xác định, từ năm 2014- 2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế nhờ các cá nhân là lãnh đạo, nhân viên các công ty thuộc hệ thống FLC và là người thân đứng tên cổ đông góp vốn, ký sẵn các chứng từ để bà Huế dùng làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền, tạo dòng tiền qua tài khoản, hợp thức việc góp khống vốn điều lệ vào Công ty Faros.
Hầu hết các cá nhân đều không trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền, nhưng các giao dịch viên, kiểm soát viên của Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Thanh Xuân vẫn đồng ý thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền theo chứng từ đã được ký sẵn để bà Huế hợp thức tạo dòng tiền góp vốn khống.
Cơ quan điều tra cho biết, việc này vi phạm khoản 2, Điều 12 Quy định số 6440/QĐ-NHBL của Ngân hàng BIDV. Nhưng khi thực hiện, các giao dịch trong tài khoản của các cá nhân có đủ số tiền để thực hiện giao dịch, chứng từ đầy đủ về hình thức, nội dung, đầy đủ chữ ký của chủ tài khoản theo quy định.
Cơ quan điều tra cho rằng, các giao dịch viên không biết mục đích của việc nộp tiền, rút tiền, chuyển tiền để nhằm mục đích nâng khống vốn, niêm yết, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Hơn nữa họ cũng không được hưởng lợi ích gì từ hành vi của mình mà chỉ được hưởng lương hàng tháng.
Do đó, CQĐT khẳng định, không có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với 13 giao dịch viên, kiểm soát viên nói trên, nhưng cho rằng cần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét xử lý nghiêm các sai phạm nêu trên.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung và đề nghị truy tố 51 bị can trong vụ án "thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các công ty, đơn vị liên quan.
Trong số 51 bị can bị đề nghị truy tố lần này có 13 bị can bị đề nghị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán; 23 bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 4 bị can bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 bị can bị đề nghị truy tố tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; 8 bị can bị đề nghị truy tố 2 tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Theo kết luận, giai đoạn 26/5/2017 đến 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo hai em gái cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường.
Đầu phiên giao dịch hàng ngày, nhóm của ông Quyết sẽ được cấp hạn mức khống để đặt lệnh các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC. Các bị can sau đó liên tục mua bán khống với số lượng lớn được diễn ra để tạo cung cầu giả trong 562 phiên giao dịch.
Riêng với mã FLC có biến động mạnh về giá trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022 khi tăng trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu sau đó giảm nhanh về mức sàn là 21.150 đồng (giảm 12,9% trong một phiên).
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong phiên này, ông Quyết đã chỉ đạo em gái bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC với tổng giá trị khớp lệnh 1.600 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Quyết cùng đồng phạm đã thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Quyết còn chỉ đạo đồng phạm tăng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng với mục đích chiếm đoạt của các nhà đầu tư.
Faros sau đó đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM để bán, sau đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư, theo cơ quan điều tra.
Xem thêm tại cafef.vn