Vụ án Trịnh Văn Quyết: Cô thợ may lương 5 triệu/tháng 'biến hình' thành nhà đầu tư uy tín, nhận ủy thác đầu tư 360 tỷ đồng của Faros
Theo Cáo trạng vụ FLC, Công ty Faros đã hợp thức việc sử dụng vốn góp khống bằng cách thông qua uỷ thác đầu tư cho cá nhân có tên Nguyễn Thị Hồng Dung (là thợ may) và Lê Thị Thơm (là lao động tự do) với tổng số tiền 750 tỷ đồng. Các cá nhân này do Trịnh Thị Minh Huế nhờ đứng tên để nhận số tiền ủy thác nêu trên.
Tuy nhiên, Doãn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros đã ký Công văn gửi UBCKNN báo cáo đây là hai nhà đầu tư uy tín và có năng lực trong các lĩnh vực đầu tư và giải trình cơ sở có nguồn tiền ủy thác đầu tư là do công ty nhận được nhiều dự án lớn nhưng vốn huy động chưa cần thiết sử dụng. Công ty đã có nghị quyết cho phép sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi để ủy thác đầu tư cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời xác định việc ghi nhận doanh thu tài chính phù hợp với Chuẩn mực "Doanh thu và Thu nhập khác", Công ty đã cung cấp bằng chứng kế toán để CPA Hà Nội phát hành các báo cáo tài chính kiểm toán chấp thuận toàn phần để Công ty Faros tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Được biết, bà Nguyễn Thị Hồng Dung là chị gái của Nguyễn Văn Mạnh, em rể ông Trịnh Văn Quyết còn bà Lê Thị Thơm là bạn học trung cấp Kinh tế với Trịnh Thị Minh Huế.
Bà Lê Thị Thơm nằm trong danh sách các cá nhân liên quan đến Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng có vai trò thứ yếu, lệ thuộc, ... phân hóa không xem xét trách nhiệm hình sự. Còn bà Nguyễn Thị Hồng Dung thì bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Cáo trạng, bà Nguyễn Thị Hồng Dung dù không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Huế nhờ ký 1 hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, Giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp khống từ 1,5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng; ký hợp đồng nhận uỷ thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống vốn trước đó.
Hành vi của Nguyễn Thị Hồng Dung đã tạo điều kiện để Trịnh Thị Minh Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Hồng Dung còn cho Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân, ký các giấy tờ để thành lập và đứng tên người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Khu Công nghiệp Toàn Cầu để bà Huế mở 13 tài khoản chứng khoán; đứng tên cá nhân mở 12 tài khoản chứng khoán để Huế sử dụng thao túng thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Trịnh Thị Minh Huế đã sử dụng 12/25 tài khoản để thực hiện thao túng thị trường chứng khoán trong 263 phiên giao dịch đối với 4 mãchứng khoán: HAI, GAB, ART, FLC; đặt 1.477 lệnh mua, tổng giá trị khớp mua hơn 788 tỷ đồng; hủy mua 375 lần; đặt 692 lệnh bán, với giá trị khớp bán gần 827 đồng; ký 102 chứng từ chuyển tiền, nộp tiền, rút tiền để bà Huế thực hiện các giao dịch với tổng số tiền 1.241 tỷ đồng, giúp Trịnh Văn Quyết thao túng 4 mã cổ phiếu HAI, FLC, GAB, ART, thu lợi bất chính 684 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Hồng Dung đã khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu và khai được hưởng lương 5 triệu đồng/tháng; đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 70 triệu đồng.
Xem thêm tại cafef.vn