Vụ án Trịnh Văn Quyết: Thông tin mới về số tiền 500 tỷ đồng dùng để mua bán cổ phần Bamboo Airways
Tại phiên tòa xét xử vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan sáng nay (29/7), ông Trịnh Văn Quyết có yêu cầu xem xét việc nghĩa vụ khắc phục hậu quả của vụ án.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết đã dùng hơn 200 tỷ đồng tiền từ bán Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nộp vào tài khoản của cơ quan cảnh sát điều tra.
“Còn hơn 500 tỷ nữa đối tác mua hãng hàng không có văn bản cam kết trước cơ quan điều tra, cam kết bằng tài sản, danh dự của người mua. 500 tỷ cam kết bằng văn bản gửi cơ quan điều tra để hợp đồng có hiệu lực. Bên mua đã cam kết sẽ chuyển 500 tỷ này vào”, ông Trịnh Văn Quyết nói.
“Bị cáo xin hội đồng xét xử, đại điện Viện kiểm sát ghi nhận, với tội danh thứ nhất là thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo đã có khắc phục số tiền thu lợi bất chính”, ông Trịnh Văn Quyết gửi yêu cầu lên hội đồng xét xử.
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Quyết mong hội đồng xét xử ghi nhận việc đã bồi thường cho những người ghi nhận là bị hại (133 nhà đầu tư).
“Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có bao nhiêu bị hại, bị cáo sẽ tiếp tục bán tài sản của mình giống như bị cáo đã nói là vận động gia đình bồi thường hết cho những người bị hại nếu bị hại tiếp tục yêu cầu bồi thường, ngoài 133 người trên”, ông Quyết nhắc lại trước tòa.
Ghi nhận những ý kiến trên, chủ tọa phiên tòa làm rõ, “trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ được hơn 189 tỷ của bị cáo và của một số người nộp khắc phục hậu quả. Trong quá trình xét xử, trong diễn biến tại phiên tòa, có một số người có đơn xin nộp thêm tiền. Hiện nay danh sách số người nộp thêm tiền đang được bổ sung. Số tiền này cơ quan tiến hành tố tụng đang tạm thời thu giữ để giải quyết vụ án này”.
Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa cho biết, hiện nay cơ quan tiến hành tố tụng chưa nhận được cam kết nộp tiền thanh toán khoản mua bán cổ phần Bamboo Airways như ông Trịnh Văn Quyết thông tin. Những khoản khác hội đồng xét xử đang xem xét có căn cứ hay không.
“Số tiền hiện nay đang thu giữ khoảng trên 240 tỷ, những tài liệu khác Hội đồng xét xử đang trong quá trình xem xét”, chủ tọa phiên tòa nhắc lại.
Trong phiên toà trước đó, Bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC, luật sư Vũ Đặng Hải Yến khẳng định sẽ không phủ nhận các nội dung trong kết luận điều tra và cáo trạng. Song theo luật sư, cáo buộc trong bản luận tội của VKS "quá nghiêm khắc".
Sau đó, phần lớn nội dung mà luật sư trình bày liên quan đến xác định bị hại của vụ án. Theo luật sư, vụ án này chỉ có 133 bị hại chứ không phải 30.403 người như cáo buộc.
Lập luận của luật sư cho rằng, theo cáo trạng và luận tội của VKS, bị hại đang được chia làm 2 nhóm: Nhóm 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (hiện chưa bán) và nhóm 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu (không phân biệt đã bán hay vẫn đang sở hữu cổ phiếu).
Người bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho biết khi tra cứu ngẫu nhiên trong 30.403 nhà đầu tư ở nhóm thứ 2, nhiều trường hợp đã bán và có lãi. Luật sư trích dẫn 5 người, lãi từ gần 54 triệu đến hơn 520 triệu đồng.
"Một cách khách quan, nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và đã bán tức là đã thu hồi lại được số tiền đã bỏ ra để mua cổ phiếu", luật sư lập luận và chỉ ra trong danh sách 30.403 bị hại có nhiều trường hợp bị trùng.
Ngoài ra, theo bà Huế, nhiều người nằm trong danh sách 30.403 bị hại khẳng định: "Đầu tư mua cổ phiếu là do tự nguyện", "không yêu cầu bồi thường"... Do đó, luật sư cho rằng số bị hại trong vụ án này chỉ là 133, với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 2,2 tỷ đồng.
Về số tiền hơn 3.600 tỷ đồng cựu Chủ tịch FLC thu được từ việc bán cổ phiếu ROS, luật sư nhận định đây là tiền "hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án".
Bà Huế cho biết ông Quyết vẫn phải có trách nhiệm nộp lại số tiền trên vào ngân sách Nhà nước và thực tế bị cáo đã cam kết sẽ bán toàn bộ tài sản đang bị phong tỏa để khắc phục.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn