Vụ khởi tố 4 cán bộ Vietcombank làm thất thoát 600 tỷ đồng: Bất ngờ các doanh nghiệp liên quan

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nhóm các bị can, là nhân viên, nguyên lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) chi nhánh An Giang.

Các cán bộ Vietcombank làm thất thoát 600 tỷ đồng

Theo đó, 2 nguyên Trưởng phòng khách hàng, 1 nguyên Phó Trưởng phòng khách hàng và một nhân viên của Vietcombank chi nhánh An Giang cùng bị khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Từ 2010-2014, các bị can là lãnh đạo, nhân viên Vietcombank đã không kiểm tra, thu thập đủ chứng từ sử dụng vốn vay của 3 khách hàng doanh nghiệp, đã giải ngân, gây thiệt hại cho Vietcombank số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Ba khách hàng doanh nghiệp được nhắc tới trong quyết định khởi tố, là CTCP Việt An, CTCP xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu.

Liên quan vụ án, trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố 19 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị can gồm: Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu (Tổng giám đốc CTCP Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (Giám đốc Công ty TNHH Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang) và Lưu Bá Phúc (Giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) và các bị can khác là kế toán các công ty.

Theo kết quả điều tra, Thảo và Thu (Tổng Giám đốc công ty Việt An) đã chỉ đạo lập các chứng từ khống để rút vốn vay tại Vietcombank chi nhánh An Giang.

Vụ khởi tố 4 cán bộ Vietcombank làm thất thoát 600 tỷ đồng: Bất ngờ các doanh nghiệp liên quan
Các cựu lãnh đạo, nhân viên ngân hàng Vietcombank chi nhánh An Giang vừa bị khởi tố

Một doanh nghiệp liên quan từng niêm yết trên HoSE

Trong số các doanh nghiệp liên quan vụ án, nổi bật là CTCP Việt An, đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm từng có cổ phiếu giao dịch trên sàn – là cổ phiếu AVF. Tuy vậy cổ phiếu này đã bị đình chỉ giao dịch từ tháng 12/2023 do chậm công bố BCTC kiểm toán các năm 2020, 2021, 2022.

CTCP Việt An thành lập tháng 2/2007, do ông Lưu Bách Thảo, sinh năm 1964, làm Chủ tịch HĐQT. Tháng 9/2014, công ty tăng vốn lên 433,38 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay.

Ông Ngô Văn Thu, sinh năm 1971, là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật từ tháng 11/2014.

Năm 2010 cũng là năm Việt An được chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên HoSE với 22,5 triệu cổ phiếu ban đầu, giá chào sàn 25.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2014 công ty được chấp thuận thay đổi niêm yết, tổng số cổ phiếu lên sàn là hơn 43,33 triệu đơn vị. Giai đoạn 2010-2014 cũng là thời điểm xảy ra vụ vay vốn bằng chứng từ khống tại Vietcombank.

Tháng 6/2015, toàn bộ cổ phiếu AVF bị huỷ niêm yết trên HoSE, sau đó công ty đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UpCOM cùng thời điểm tháng 6. Cho đến tháng 12/2023 vừa qua, toàn bộ cổ phiếu AVF bị đình chỉ giao dịch.

Ngày bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu AVF chỉ còn giao dịch ở mức giá 400 đồng/cổ phiếu.

Vụ khởi tố 4 cán bộ Vietcombank làm thất thoát 600 tỷ đồng: Bất ngờ các doanh nghiệp liên quan

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2010-2013, trong thời điểm vụ việc xảy ra, Việt An ghi nhận doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2011, 2012 đều trên 1.800 tỷ đồng; thấp nhất các năm 2010 và 2013 đều trên 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận thì không đột biến, giảm từ 81 tỷ đồng năm 2010 xuống còn 18 tỷ đồng năm 2013.

Năm 2014 là năm biến động của Việt An với doanh thu vỏn vẹn hơn 100 tỷ đồng và lỗ 913 tỷ đồng. Các khoản chi lớn nhất dẫn tới số lỗ này là chi phí quản lý doanh nghiệp 59 tỷ đồng (dự phòng phải thu khó đòi) và chi phí khác 759 tỷ đồng.

Từ năm 2014-2019, Việt An liên tục báo lỗ với số lỗ khủng năm 2015 hơn 350 tỷ đồng; năm 2016 hơn 844 tỷ đồng.... Tính đến hết năm 2019, Việt An lỗ luỹ kế 2.333 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 1.886 tỷ đồng.

screen-shot-2024-07-16-at-11.45.50.png

Những mối liên quan bất ngờ

Hai doanh nghiệp còn lại liên quan vụ giải ngân 600 tỷ đồng là CTCP Xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu.

CTCP Xuất nhập khẩu Bình Minh thành lập tháng 12/2010, do ông Nguyễn Thanh Hùng làm người đại diện theo pháp luật. Ông Hùng còn là người đại diện theo pháp luật của CTCP Tư vấn kế toán Spa và Công ty TNHH Xây dựng Giao thông An Giang.

Công ty TNHH Minh Giàu thành lập tháng 8/2005, do ông Trương Minh Giàu làm người đại diện theo pháp luật.

Có vẻ 3 công ty không có mối quan hệ, tuy vậy bất ngờ khi cả Minh Giàu và Bình Minh đều xuất hiện trong báo cáo tài chính của công ty Việt An.

Với Công ty Bình Minh, ông Nguyễn Thanh Hùng vừa là Chủ tịch HĐQT của Việt An (giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2015), vừa là Tổng Giám đốc của Bình Minh. Trong BCTC của công ty Việt An cũng có những khoản phải thu hơn 31 tỷ đồng với công ty Bình Minh. Đáng chú ý, khoản phải thu này, sau đó công ty đã phải trích lập dự phòng rủi ro phải thu khó đòi.

Đối với công ty Minh Giàu, từ năm 2014, xuất hiện khoản phải trả 99 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty Việt An còn có những khoản phải thu khó đòi liên quan các cá nhân trong vụ án như ông Lưu Bách Thảo ('sếp' công ty Việt An) và ông Lưu Bá Phúc (công ty Bách Phúc)

Ông Lưu Bách Thảo đã khiến công ty Việt An phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 70 tỷ đồng, đây là số tiền còn lại sau khi Việt An quyết định bán thanh lý tài sản đảm bảo của ông Thảo cho khoản vay tại công ty. Số còn lại gần 70 tỷ đồng đã xác định là không có khả năng thu hồi.

Ông Lưu Bá Phúc vay hơn 9 tỷ đồng của công ty Việt An. Khoản này đã được công ty Việt An trích lập dự phòng.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn