Vụ “siêu lừa” 433 tỷ đồng: Ngân hàng và đại gia đồng loạt kháng cáo
Vụ án này liên quan đến Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (viết tắt là PVCombank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (viết tắt là NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (viết tắt là VAB) và nhiều cá nhân với số tiền chiếm đoạt 433 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2023, tòa sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984) mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, 13/26 bị cáo kháng cáo.
13 bị cáo kháng cáo gồm: Nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có Nguyễn Thị Hà Thành, Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1983, Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô VAB, án sơ thẩm 18 năm tù), Nguyễn Thanh Bình (SN 1984, kế toán Công ty cổ phần xây dựng và phát triển thương mại Hoàng Nguyên, án sơ thẩm 6 năm tù), Nguyễn Mai Phương (SN 1981, kiểm sát viên VAB, án sơ thẩm 14 năm tù), Đặng Thị Quỳnh Hương (SN 1981, Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô VAB, án sơ thẩm 10 năm tù). Ngoài ra, bị cáo Đặng Thị Quỳnh Hương còn lĩnh 7 năm tù tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.
Nhóm Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng: Bùi Văn Tuấn (SN 1992, cán bộ PVCombank), Trần Thị Hoa (SN 1981, cựu giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội), Nguyễn Hồng Trung (SN 1983, nhân viên NCB) cùng nhận 5 năm tù án sơ thẩm. Ngoài ra bị cáo Trung còn bị xử phạt 12 tháng tù tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bị cáo Lê Thị Hiên (SN 1966, cán bộ VAB, án sơ thẩm 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo).
Nhóm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự gồm Triệu Đình Hoan (SN 1979), Nguyễn Thị Là (SN 1983), Triệu Thị Hạnh (SN 1985), Nguyễn Giang Hòa (SN 1964) nhận án sơ thẩm từ 15 tháng tù cho hưởng án treo – 30 tháng tù.
Trong vụ án này, Ngân hàng PVCombank, NCB giữ vai trò là bị hại; còn VAB là bị hại đồng thời là bên liên quan cũng đồng loạt kháng cáo. Ngoài ra còn có các cá nhân là bị hại; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như ông Đặng Nghĩa Toàn, ông Triệu Hùng Cường, ông Vũ Thành Luân, Triệu Thị Tuyết Trinh… và Công ty cổ phần đầu tư MHD Hà Nội cũng có đơn kháng cáo đến tòa phúc thẩm.
Theo cáo trạng, do cần tiền làm ăn và chi tiêu, Thành tìm những người có tiền để vay hoặc rủ rê hợp tác để chứng minh tài chính rồi chiếm đoạt với mục đích cá nhân. Do không có tài sản đảm bảo nên Thành nói với họ gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu như trường hợp ông Đặng Nghĩa Toàn, Triệu Hùng Cường, Triệu Thị Tuyết Trinh…
Có 17 cựu cán bộ Ngân hàng Quốc dân - NCB, Ngân hàng Việt Á - VAB và Ngân hàng PVcombank "tiếp tay" với Thành. Thành đã giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.
Cơ quan tố tụng xác định, Thành gây ra 26 vụ lừa đảo ngân hàng và các cá nhân. Số tiền Thành chiếm đoạt tại VAB là 247 tỷ đồng; NCB là 47,5 tỷ đồng; PVCombank là 49,4 tỷ đồng và các cá nhân khác là hơn 60 tỷ đồng.
Thành sử dụng chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân, trả tiền lãi, mua cổ phần. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ làm rõ được khoản tiền 10 tỷ đồng Thành mua cổ phần.
Theo tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương đồng phạm với Thành gây ra 21 vụ lừa đảo, Quản Trọng Đức thực hiện 21 vụ, Nguyễn Mai Phương thực hiện 21 vụ, Nguyễn Thanh Tùng gây ra 14 vụ…
Về trách nhiệm dân sự, tòa sơ thẩm buộc Nguyễn Thị Hà Thành phải trả lại cho NCB 47,5 tỷ đồng; PVCombank 49,5 tỷ đồng, VAB 274 tỷ đồng và các cá nhân khác.
Toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn tại 3 ngân hàng này bị giữ lại để đảm bảo thi hành án về phần trách nhiệm dân sự của Thành (khoảng 122 tỷ đồng). Tòa tuyên tạm giao cho các ngân hàng tạm giữ các sổ tiết kiệm cho đến khi thi hành án. Đồng thời, tòa cũng giành quyền khởi kiện cho ông Toàn với Thành bằng vụ kiện dân sự khác. Một số đồng sở hữu khác cũng có quyết định tương tự.
Có 3 cá nhân là được trả lại sổ tiết kiệm do tiền gửi không liên quan đến hành vi của Thành hoặc khoản vay đã được tất toán xong.
Xem thêm tại vneconomy.vn