Vụ Vạn Thịnh Phát: Bí ẩn một người có mối quan hệ với cả Quốc Cường Gia Lai, Cao Minh Trí và Tập đoàn Tuần Châu
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan đã bước sang hành trình mới sau khi HĐXX đọc tuyên án.
Theo bản án, Trương Mỹ Lan nhận án tử hình, buộc bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỷ đồng. Cùng với đó, loạt trách nhiệm dân sự được công bố, trong đó có những khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng của các bên phải trả lại cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai (QCG) phải trả lại Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng. Đây là số tiền liên quan hợp đồng hứa mua, hứa bán với Sunny Island từ năm 2017, và vẫn được “treo” trên BCTC của công ty ở mục “phải trả”.
HĐXX cũng buộc CTCP T&T Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền hơn 6.095 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. Đối với quan hệ thế chấp, bảo đảm liên quan các bất động sản của 2 công ty này dùng để đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng SCB sẽ tiếp tục bị cơ quan cảnh sát điều tra ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng. HĐXX câng tách ra để công ty Tuần Châu bà công ty Âu Lạc giải quyết với ngân hàng SCB trong một vụ án khác khi các bên có yêu cầu.
Một khoản tiền lớn khác là buộc bị cáo Nguyễn Cao Trí nộp lại số tiền 1.000 tỷ đồng, sẽ khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.
Đáng chú ý, xuyên suốt hành trình của 3 khoản tiền lớn phải trả lại Trương Mỹ Lan này, từ Quốc Cường Gia Lai, đại gia Nguyễn Cao Trí đến Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển đều có chung một cái tên - Hồ Quốc Minh.
Bà Trương Mỹ Lan, ông Đào Hồng Tuyển, ông Nguyễn Cao Trí và bà Nguyễn Thị Như Loan
Hồ Quốc Minh – bí ẩn trong vụ Nguyễn Cao Trí
Nguyễn Cao Trí là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, CTCP Tập đoàn Capella.
Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí có thỏa thuận mua cổ phần một số dự án của Nguyễn Cao Trí tại CTCP Cao su Công nghiệp, CTCP Du lịch Sài Gòn Đại Ninh và dự án Hải Hà. Trong thời gian này Trương Mỹ Lan đã nhiều lần chuyển tiền cho Trí thông qua Hồ Quốc Minh và các nhân viên của Lan.
Diễn biến vụ việc khá dài dòng, tiền được chuyển nhiều lần. Cáo trạng ghi rõ, sau nhiều lần chuyển tiền, đến tháng 1/2021 Nguyễn Cao Trí và Trương Mỹ Lan gặp nhau tại nhà hàng Ngân Đình (Tòa nhà Times Square) thống nhất các khoản Lan đã chuyển cho Trí tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng. Trí sau đó soạn thảo văn bản, yêu cầu những người đứng tên hộ chuyển nhượng số cổ phần và hợp đồng cho người được Trương Mỹ Lan nhờ đứng tên là Hồ Quốc Minh.
Khị vụ án bị khởi tố, Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo điều chỉnh các văn bản và thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư… đồng thời ngày 23/10/2022 hẹn gặp Hồ Quốc Minh tại sân bay Tân Sơn Nhất trước khi Minh ra nước ngoài chữa bệnh, yêu cầu ký hồ sơ thanh lý hợp đồng đã soạn thảo nêu trên.
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan. Nguyễn Cao Trí khai việc gặp Hồ Quốc Minh sở sân bay là tình cờ, không giao giấy tờ, tài liệu gì.
Đây là nguyên nhân khiến Trương Mỹ Lan phải có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tài sản của Lan và thu hồi 1.000 tỷ đồng. Lúc đó, cái tên Hồ Quốc Minh được xem là một “ẩn số” cho những cáo buộc liên quan Nguyễn Cao Trí vì cũng đã ra nước ngoài, không lấy được lời khai.
Sau hơn 1 tháng xét xử vụ án, Nguyễn Cao Trí đã thừa nhận hành vi. Bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết, sự cố xảy ra với bà Trương Mỹ Lan khiến ông rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, lo lắng, dẫn tới phạm sai lầm. Nguyễn Cao Trí, cho rằng hệ thống của mình có liên quan tới Trương Mỹ Lan, nên đắn đo, do dự.
Ngoài số tiền bị kê biên, thu giữ trước đó, theo ước tính, Nguyễn Cao Trí phải nộp thêm khoảng 242 tỷ đồng để đủ số 1.000 tỷ đồng buộc phải nộp theo yêu cầu của HĐXX.
Bà Trương Mỹ Lan và ông Nguyễn Cao Trí
Hồ Quốc Minh là “cổ đông” trong nhiều công ty thuộc hệ sinh thái Tuần Châu
Đây không phải lần đầu cái tên Hồ Quốc Minh xuất hiện. Trong vụ án, HĐXX yêu cầu T&T Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng cho Trương Mỹ Lan. Đây là 2 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tuần Châu của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển.
Trước đó cáo trạng cho thấy có 8 bất động của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác giữa Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Tuần Châu Quảng Ninh bị kê biên.
Âu Lạc Quảng Ninh thành lập tháng 8/1997. Năm 2015 công ty cập nhật thông tin vốn điều lệ 700 tỷ đồng, do chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển góp 96%; ông Đào Anh Tuấn là Tổng Giám đốc. Sau nhiều lần tăng vốn, đổi “sếp”, tháng 9/2023 ông Đào Hồng Tuyển rút khỏi danh sách cổ đông, thay vào đó là pháp nhân CTCP Tập đoàn Tuần Châu.
Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển nắm 78,11%, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh góp 18,6% và bà Đào Thị Đoan Trang góp 3,29%.
Ông Đào Hồng Tuyển gắn liền với hệ sinh thái Tuần Châu. Trong hệ sinh thái này còn nhiều công ty khác, trong đó đáng chú ý có sự xuất hiện của cái tên Hồ Quốc Minh.
Cụ thể, CTCP Đầu tư phát triển Tuần Châu thành lập tháng 6/2017 với vốn điều lệ 5.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm CTCP Đầu tư và phát triển Great TPP góp 0,5%; ông Hồ Quốc Minh góp 0,5% và CTCP Đầu tư Tuần Châu Global góp 99%.
CTCP Đầu tư Tuần Châu Global thành lập tháng 5/2017 có vốn điều lệ 5.450 tỷ đồng. Công ty do ông Đào Hồng Tuyển góp 49%; Hồ Quốc Minh góp 1%; Đặng Thị Thanh Phương góp 20%; Châu Sam Phàm góp 10% và Nguyễn Công Thành góp 20%.
Ông Đào Hồng Tuyển và bà Trương Mỹ Lan
“Người lạ” Hồ Quốc Minh lại xuất hiện trong vụ hợp tác với Quốc Cường Gia Lai
Nếu như trong mối quan hệ với Nguyễn Cao Trí, Hồ Quốc Minh như một trung gian đứng giữa, do Nguyễn Cao Trí “nhờ” đứng tên, nhận hộ tiền từ Trương Mỹ lan, thì lời giải thích cho sự bí ẩn này dễ hiểu hơn. Đặc biệt, lời khai ban đầu của Nguyễn Cao Trí trước sự “mất tích” ra nước ngoài của Hồ Quốc Minh lại càng thấy đây có thể là người liên quan phía ông Nguyễn Cao Trí nhiều hơn.
Tuy vậy, trong các giao dịch với Tập đoàn Tuần Châu, Hồ Quốc Minh xuất hiện âm thầm dưới tên của một cổ đông của Tập đoàn.
Bất ngờ hơn, cái tên Hồ Quốc Minh một lần nữa xuất hiện trong giao dịch với Quốc Cường Gia Lai. HĐXX tuyên Quốc Cường Gia Lai phải trả lại Trương Mỹ Lan 2.882 tỷ đồng, đây là số tiền liên quan hợp đồng hứa mua hứa bán với Sunny Island.
Sunny Island thành lập tháng 2/2017 cũng là thời điểm Quốc Cường Gia Lai có biên bản ghi nhớ với đối tác này về dự án Bắc Phước Kiển, vốn điều lệ 250 tỷ đồng.
Sunny Island có 3 cổ đông sáng lập, trong số đó, ông Chang Ly sở hữu 40%, ông Nguyễn Ngọc Hiền và ông Văn Kim Phụng mỗi người sở hữu 30% vốn cổ phần còn lại. Ông Chang Ly, người Hoa, mang quốc tịch Việt Nam, là Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty.
Từ 2017 đến nay, đã có hàng chục lần thay đổi thông tin trên Giấy phép đăng ký kinh doanh. Dàn lãnh đạo cũng thường xuyên thay đổi, thậm chí địa chỉ trụ sở chính cũng nhiều lần được di dời.
Đáng chú ý trong đó là thời điểm tháng 7/2020 ông Hồ Quốc Minh làm Tổng Giám đốc. Cái tên Hồ Quốc Minh đã quá quen thuộc trong nhiều “sự kiện” liên quan Vạn Thịnh Phát, như là vụ việc với đại gia Nguyễn Cao Trí…
Bà Trương Mỹ Lan và bà Nguyễn Thị Như Loan (CEO của Quốc Cường Gia Lai)
Thời điểm năm 2017, Sunny Island gây tiếng vang khi công ty mới thành lập, vốn điều lệ vỏn vẹn 250 tỷ đồng mà lại bắt tay ký kết với Quốc Cường Gia Lai dự án hàng chục nghìn tỷ đồng như Phước Kiển. Đây cũng là dự án liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát.
Từ “người bí ẩn” trong vụ Nguyễn Cao Trí, “người quen” trong vụ Quốc Cường Gia Lai, đến “người lạ” trong vụ Tập đoàn Tuần Châu, thân phận của ông Hồ Quốc Minh khá mơ hồ nhưng lại xuyên suốt 3 “cái bắt tay” quan trọng của Trương Mỹ Lan với các doanh nghiệp khác.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn